Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê mong muốn bộ môn nghệ thuật đàn tranh sẽ được đưa vào trường học, phổ biến sâu rộng hơn nữa trong cộng đồng.
Trong đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đàn tranh là loại hình nghệ thuật âm nhạc dân tộc được rất nhiều người yêu thích. Tiếng đàn tranh đã trở nên thân thuộc trong tâm thức mỗi người Việt Nam, bởi đó là một phần bản sắc văn hóa và tâm hồn Việt. Ngày nay, nghệ thuật đàn tranh không chỉ được lưu giữ và phát triển trong nước mà đã lan tỏa khắp nơi,ở bất cứ quốc gia nào có cộng đồng người Việt sinh sống.
Trải qua 7-8 thế kỷ du nhập và phát triển, đàn tranh đã được người Việt Nam tạo cho một phong cách đặc thù trong thủ pháp, ngón đàn, thang âm, điệu thức. Và đàn tranh đã trở thành nhạc cụ dân tộc, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Việt, mang ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam. Đến nay, đàn tranh là nhạc khí hiếm hoi có thể biểu diễn với nhiều hình thái khác nhau như: đàn một mình, song tấu và hòa tấu. Đàn tranh cũng có thể diễn đạt được theo nhiều thể loại, từ nhạc Chèo miền Bắc, ca Huế miền Trung hay tài tử miền Nam.
Nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy.
Nhà giáo ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú Phạm Thúy Hoan cho biết: "Đàn tranh có tiếng nói gần gũi với tiếng nói dân tộc mình. Khi nghe một tiếng đàn tranh, tôi luôn cảm thấy có điều gì đó rất gần gũi."
Chính nét đẹp của nghệ thuật đàn tranh đã thu hút không ít người tìm đến bộ môn nghệ thuật này. Những người yêu thích đàn tranh hiện nay đều biết đến Thạc sĩ- nghệ sĩ Hải Phượng. Tiếng đàn tranh ngọt ngào, sâu lắng của Hải Phượng có một vẻ đẹp rất riêng. Tiếng đàn ấy đã theo chị qua hơn 20 quốc gia, ở hầu hết các liên hoan, sự kiện âm nhạc lớn. Thông qua đó, đàn tranh đã dần trở nên quen thuộc với bạn bè quốc tế khi nhắc đến nhạc cụ truyền thống của Việt Nam.
"Việc chơi đàn tranh cũng là thể hiện lòng yêu nước. Mình vẫn luôn luôn dạy cho các em là: khi đàn, phải hiểu rằng mình là người Việt Nam, yêu âm nhạc Việt Nam. Lúc các em học, các em từ từ thấm được các giai điệu âm nhạc của Việt Nam và các em yêu nước thông qua những giai điệu âm nhạc dân tộc đó.", thạc sĩ - nghệ sĩ Hải Phượng tâm sự.
Khi tiếng đàn tranh ngân lên, trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người Việt Nam, hình ảnh đất nước thanh bình, yên ả lại ùa về. Chẳng thế mà, những người Việt xa quê luôn đau đáu một nỗi niềm với âm nhạc truyền thống. Không chỉ nghe hay xem biểu diễn, nhiều người Việt xa xứ còn luôn tìm cách đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới mà vẫn giữ được bản sắc Việt.
Một trong số đó là anh Hồng Việt Hải, một bác sĩ Y học cổ truyền ở Seattle, Mỹ, rất yêu đàn tranh. Hơn 10 năm qua, ngoài công việc khám chữa bệnh hằng ngày, anh Hải xem đàn tranh là bạn đồng hành, san sẻ những niềm vui và thực hiện hoài bão gìn giữ âm nhạc truyền thống Việt Nam trên đất khách.
Biểu diễn đàn tranh trong tủ kính. (Ảnh: Việt Hòa)
Anh Hồng Việt Hải đã thành lập câu lạc bộ đàn tranh Hướng Việt với gần 100 thành viên: "Tôi luôn cố gắng truyền tải để các em lớn lên ở hải ngoại có thể biết được ít nhiều về văn hóa của Việt Nam. Nhằm giúp các em có được niềm tự hào hãnh diện về nguồn gốc của dân tộc mình."
Trên thực tế, để giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật đàn tranh nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung là điều không dễ dàng, nhất là với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Bởi ngày nay, trong nhịp sống hối hả, các loại hình văn hóa, giải trí ngày càng đa dạng, phát triển nhanh, công chúng dễ dàng tiếp cận. Trong khi đó, âm nhạc dân tộc đòi hỏi người thưởng thức phải có thời gian và trong không gian biểu diễn nhất định.
Nghệ sĩ Vân Ánh, người từng biểu diễn tại Trung tâm hoà nhạc nổi tiếng nhất thế giới tại New York, Mỹ và tham gia biểu diễn đàn tranh tại nhiều nơi trên thế giới chia sẻ: "Đối với nghệ sĩ nhạc dân tộc, việc đem nhạc dân tộc ra biểu diễn đáng lẽ ra rất là dễ dàng, bởi đây là cái gốc của tâm hồn người Việt. Nhưng trên thực tế là một điều hết sức khó khăn. Bởi ngôn ngữ của âm nhạc dân tộc tương đối là khó, nó đòi hỏi 1 sự kiên nhẫn, đòi hỏi những người yêu âm nhạc phải có nột sự đầu tư nhất định để làm sao hiểu được và giải mã nó."
Vì vậy, để giữ gìn và phát triển âm nhạc dân tộc, trong đó có nghệ thuật đàn tranh, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê mong muốn bộ môn nghệ thuật đàn tranh được đưa vào trường học, phổ biến sâu rộng hơn nữa trong cộng đồng. Có như thế, mỗi người Việt Nam sẽ hiểu hơn, yêu hơn, trân trọng hơn một trong những giá trị của âm nhạc dân tộc. Từ đó, mỗi người đều có thể góp phần duy trì và phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống.