Trong buổi họp báo bất thường diễn ra vào tối 28-9, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố một phát hiện quan trọng của ngành khoa học vũ trụ.
Hình ảnh phân tích màu quang phổ cho thấy nước ở dạng lỏng trên Sao Hỏa
Theo đó, sau nhiều năm nghiên cứu và tìm hiểu Sao Hỏa, NASA đã phát hiện ra nước trên hành tinh này không chỉ ở dạng băng mà còn tồn tại dưới dạng lỏng.
Suốt nhiều năm nay, các nhà khoa học đã biết rằng sao Hỏa mang trong mình nước đá, được khóa chặt bên trong lớp vỏ khô cằn của mình. Tuy vậy, việc xác định xem trong lượng nước này có bao nhiêu phần tồn tại dưới dạng lỏng lại không hề dễ dàng chút nào.
Giờ đây, các nhà khoa học NASA đã phát hiện được những bằng chứng thuyết phục cho thấy rằng nước ở dạng lỏng – thứ nước H2O lỏng và ướt, có khả năng duy trì sự sống – thực sự tồn tại trên sao Hỏa.
Tuy nhiên đó không phải là những dòng sông hay đại dương cuồn cuộn chảy. Các nhà khoa học đã tiến hành điều tra về những “đường dốc định kỳ”, những mảng muối kết tủa chạy dọc theo những dốc đứng trên sao Hỏa như thể những dòng nước mắt chảy trên má.
Các nhà khoa học hành tinh đưa ra giả thuyết rằng những dòng này chính là hệ quả do các dòng nước chảy gây ra, nhưng họ không nắm trong tay bằng chứng khoáng vật học chắc chắn để chứng minh cho giả thuyết này – nhưng giờ mọi việc đã khác, Lujendra Ojha, nhà khoa học thuộc trường Georgia Tech, người đầu tiên phát hiện ra các dòng này vào năm 2010 cho biết.
Trong số mới nhất của tạp chí trực tuyến Nature Geoscience được đăng hôm nay, Ojha và các đồng nghiệp đã giới thiệu những xác minh mới chứng tỏ rằng nước ở dạng lỏng chảy trên bề mặt sao Hỏa đã tạo ra những dòng kết tủa trên.
Ojha cùng đội nghiên cứu đã quan sát sự hình thành của những dòng này vào mỗi mùa hè sao Hỏa – chúng rộng dần ra sau mỗi tuần, rồi mờ dần khi mùa đông đến – đó là thời gian và địa điểm chính xác để các điều kiện trên sao Hỏa cho phép nước tồn tại ở dạng lỏng. Ngoài ra, bề mặt sao Hỏa tràn ngập muối, giúp làm ổn định nước ở dạng lỏng để nước không sôi cũng như không đóng băng.
Ojha lưu ý rằng họ chưa thực sự quan sát được nước chảy trên sao Hỏa. Đội nghiên cứu đã lấy dữ liệu từ thiết bị CRISM trên Tàu Thám sát sao Hỏa MRO, và thiết bị này chỉ quan sát bề mặt sao hỏa mỗi ngày vào lúc 3 giờ chiều mà thôi. Đó là lúc bề mặt sao Hỏa nóng và khô nhất, do đó bất kỳ lượng nước lỏng nào chảy trên bề mặt hành tinh này cũng đã bốc hơi hết khi MRO kịp quan sát.
Tuy vậy, dòng nước vẫn để lại những dấu vết hóa học đặc trưng. “Dù chất lỏng gì đang chảy trên bề mặt sao Hỏa đi chăng nữa thì nó cũng đang cung cấp nước cho muối,” Ojha cho biết, “và chúng tôi nhận thấy sự cấp nước đó trong dấu hiệu quang phổ.” Sau khi tách các thông tin quang phổ từ điểm ảnh trong dữ liệu của thiết bị CRISM, Ojha cùng đội nghiên cứu đã xác định được các muối này - magnesium perchlorate, magnesium chlorate, và sodium perchlorate – có chứa các phân tử nước xen kẽ trong cấu trúc tinh thể của chúng. Đó là bằng chứng khá vững chắc chứng minh rằng các muối này đã được đưa đi bởi dòng nước chảy.
Đội nghiên cứu chưa biết những dòng nước này đến từ đâu, và trên sao Hỏa còn lại bao nhiêu nước. “Hiện giờ, đó chính là bí ẩn lớn,” Ojha chia sẻ. Tuy vậy, họ đã đưa ra nhiều giả thuyết: Có lẽ muối đã hút độ ẩm từ khí quyển sao Hỏa để tạo ra nước dạng lỏng; có thể đá bên trong sao Hỏa đang tan và thẩm thấu ra bên ngoài. Cũng có thể bề mặt sao Hỏa có một tầng chứa nước nào đó. Dù sao đi nữa, bằng chứng thú vị này đã chứng tỏ rằng sao Hỏa có tiềm năng duy trì sự sống – bao gồm cả sự sống con người, nếu loài người tìm ra cách đổ bộ lên sao Hỏa vào một ngày nào đó.
Theo Vietnam+