Mỗi dịp đón xuân và mừng Ngày thành lập Đảng, nhiều câu lạc bộ thơ trong tỉnh lại có các sáng tác mới như những bó hoa, ghi dấu các hoạt động văn hóa quần chúng lành mạnh của địa phương mình. Câu lạc bộ thơ Hải Dương chi nhánh huyện Gia Lộc vừa trình "làng" một ấn phẩm như vậy: Tập thơ Đất và người Gia Lộc, Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Đồng chí Nguyễn Đức Thăm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy đánh giá, đây là "những bài thơ hướng cảm xúc chân thành và rung động với nhiều đề tài khác nhau của cuộc sống, góp thêm ngọn lửa nồng cháy về tình yêu quê hương đất nước, động viên các tầng lớp nhân dân Gia Lộc hăng say, chung sức xây dựng nông thôn mới, văn minh, giàu đẹp". Đọc hết tập thơ trên 150 bài của gần 40 tác giả, chúng ta thấy đúng như vậy. Hai tiếng "quê hương" luôn luôn có sức lay gọi, đúng như đồng chí Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Tuấn viết: Quê hương hai tiếng ngọt ngào/ Đi xa thì nhớ cồn cào tâm can/ Ở gần thương mến vô vàn/ Hát lên vang tiếng nhặt khoan giữa đời...
Góp mặt trong tập thơ, có một số văn nghệ sĩ thành danh nơi xa gửi bài về, nhưng phần lớn là những người con gắn bó cả đời với đồng đất này qua những vần thơ mộc mạc, chân tình. Bạc đầu cơn gió đi hoang/ Giật mình vạt nắng đổ vàng sông Thưa (Trương Minh Phố). Có còn không nguồn nước mát trong/ Tiếng vạc nấc vỡ tan đêm tối (Phạm Huy Liệu). Sân đình nghiêng ngả đêm thâu/ Bâng khuâng giã bạn nhớ câu hẹn thề (Ngô Quang Cảnh)... Có câu thơ như bản liệt kê mà vẫn gợi: Hồng Hưng, Đoàn Thượng bao xa/ Yết Kiêu, Lê Lợi lại qua chung đường (Phạm Thị Ngọc Hoa). Cây bút cao tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa Đỗ Hoàng Phong thì sảng khoái nhìn bao quát về làng quê mình sinh sống.
Tắm mình dưới khoảng trời xanh
Làng tôi đang vịn đất lành mà lên
Củ khoai, bông lúa thành tên...
(Làng tôi)Còn người xa quê, mỗi khi gặp gỡ nhau lại cồn cào da diết, như tác giả Ngọc Lộc đã viết:
Đã bao mùa "Đến hẹn lại lên"
Mỗi xuân về Tết đến
Những con người đồng hương Gia Lộc
Tay trong tay sum họp giữa Sài Gòn
(Gặp quê Gia Lộc giữa Sài Gòn)
Tình cảm quê hương dâng đầy trong từng câu, từng chữ của các tác giả Nguyễn Huy Luật, Nguyễn Thị Oanh, Ngô Quang Cảnh, Nguyễn Xuân Đài, Như Hanh... Từ đất này ra đi, khắc khoải bao kỷ niệm như Người lái đò bến Tràng Thưa của Vũ Đình Chẽ, Người thầy cầm súng của Nguyễn Văn Đổng, Đêm đứng gác của Nguyễn Quốc Tiễn, và rất cảm động là bài Đón em về của Vũ Văn Anh về ngày đón hài cốt em ruột, liệt sĩ Vũ Minh Thao về quê nhà an táng.
Hình tượng Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các anh hùng liệt sĩ được khắc họa trong thơ Nguyễn Huy Luật, Nguyễn Đức Lệnh, Tạ Thị Lài, Phạm Ngọc Phẳng, Vũ Đình Quang, Đỗ Trọng Thành... Sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển nước ta đã sôi sục trong thơ Phạm Đình Sáng, Đoàn Văn Bàng, Ngô Bá Tảo, Lê Đại...
Đa số hội viên là người cao tuổi nên trong tập thơ này nhiều tác giả được dịp giãi bày những niềm vui sống khỏe, sống yêu đời, Lê Xuân Điệp có Tâm sự tuổi già, Nguyễn Đức Tăng có Tu tâm, Trịnh Thị Đào có Tình già... Tình bạn duyên thơ gắn kết trong các vần thơ tâm sự của Vũ Văn Tuyến, Nguyễn Văn Lợi, Phạm Công Mật, Nguyễn Huy Chấn, Nguyễn Giản... Tác giả Nguyễn Thị Kim Loan sung sướng viết nhân ngày con cai được thuốc lá: Ôi mừng làm sao nhà không còn thuốc lá/ Không khí trong lành hít thở thỏa thuê...
Tuổi cao, ai cũng bồi hồi nhìn lại một thời niên thiếu, vụng dại, những kỷ niệm đau đáu mang nặng cả đời. Khép lại tập thơ nặng tình nặng nghĩa này, xin giới thiệu bài thơ ngắn nhưng rất giàu suy tư của nhà văn Mã Thiên Đồng đang sống ở TP Hồ Chí Minh:
Ngã ba
Ngày xưa đến trước ngã ba
Giữa đường chia ngả, bước qua ngập ngừng...
Đường về... lối ai rưng rưng
Giá như...
ngày ấy...
Mà đừng...
Ngã ba!...
VƯƠNG BẠCH