Chương trình OCOP sẽ tạo động lực giúp các địa phương phát triển, củng cố sản phẩm lợi thế theo chiều sâu. Thông qua đó tạo dấu ấn riêng biệt cho từng vùng, từng khu vực.
Dưa thơm vân lưới của HTX Tân Minh Đức tham gia xếp hạng sản phẩm OCOP năm nay
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được Hải Dương chính thức triển khai từ năm 2019 với kỳ vọng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Đến nay, chương trình đã đạt được kết quả bước đầu.
Khả quan
Năm 2019, rượu nếp cái hoa vàng Phương Khiêm của Công ty TNHH một thành viên Phương Khiêm (Kinh Môn) được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là thành quả cho những nỗ lực của đơn vị trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng và định hướng thị trường sản phẩm. Theo ông Trần Đình Khiêm, Giám đốc công ty, mới đầu doanh nghiệp chỉ nghĩ OCOP là chương trình ghi nhận thành tích đơn thuần nhưng khi thực hiện mới thấy để có thể đạt sao cần phải có sự đầu tư bài bản, thực chất. Để được bình chọn sản phẩm OCOP, công ty phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu làm ra sản phẩm, quy trình sản xuất an toàn và thị trường tiêu thụ ổn định. "OCOP đã bắt đúng bệnh mà các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đang phải đối mặt. Sản xuất thủ công, manh mún và thiếu chiến lược sẽ không thể đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tham gia OCOP, công ty được chuyên gia hỗ trợ để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Năm 2020, doanh nghiệp tiếp tục đăng ký 2 sản phẩm là rượu tỏi và mật tỏi", ông Khiêm cho biết.
Năm 2019, sản phẩm cải bắp của HTX Tân Minh Đức (Gia Lộc) đã được UBND tỉnh chứng nhận đạt 4 sao. Chứng nhận này như thêm vé ưu tiên để cải bắp của HTX tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích và sắp tới là xuất khẩu. Năm nay, HTX đã chủ động hoàn thiện hồ sơ OCOP cho sản phẩm dưa thơm vân lưới. Ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc HTX cho hay: "Chương trình OCOP là đòn bẩy để thúc đẩy các HTX nông nghiệp nói chung và HTX Tân Minh Đức nói riêng đầu tư cho sản phẩm lợi thế. Với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, OCOP đã trao thêm cơ hội cho các HTX để có thể thay đổi cả về chất và lượng".
Năm 2019, UBND tỉnh đã công nhận 13 sản phẩm OCOP, bao gồm 12 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 3 sao. Riêng sản phẩm gạo bãi rươi của Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới (Tứ Kỳ) được đề nghị Trung ương xếp hạng 5 sao. Năm 2020, sau khi khảo sát 92 sản phẩm của 48 chủ thể đăng ký, cơ quan chuyên môn đã lựa chọn 53 sản phẩm tiềm năng để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ OCOP. Trong đó, sản phẩm tỏi đen Vietkiga của Công ty CP Sản xuất thương mại Agrico (Kinh Môn) được đầu tư nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao. Dự kiến tháng 11 tới, Hội đồng đánh giá xếp hạng các sản phẩm OCOP tỉnh tổ chức thẩm định, xếp hạng các sản phẩm.
Định hướng lâu dài
Thực hiện chương trình OCOP, Hải Dương đặt mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn bền vững. Đây cũng là giải pháp để thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế, tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Hải Dương. OCOP được coi là chất xúc tác để giữ lửa cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để OCOP thật sự phát huy hiệu quả, tỉnh đã xác định 100 sản phẩm nông nghiệp, nông thôn có lợi thế phát triển ở các nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải, may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn. Trong đó, xây dựng 25 chuỗi sản phẩm chủ lực cấp huyện và dự kiến tiêu chuẩn hóa 31 sản phẩm. Chủ thể OCOP là hộ sản xuất cá thể, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng nòng cốt là các HTX nông nghiệp. Để khuyến khích các chủ thể tham gia OCOP, tỉnh cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ về hạ tầng sản xuất, đào tạo nghề, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại...
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng sản phẩm OCOP là cần thiết, xuất phát từ nhu cầu sản xuất của từng địa phương. Hải Dương phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề với nhiều sản phẩm thế mạnh. Vì thế, chương trình OCOP sẽ tạo động lực giúp các địa phương phát triển, củng cố sản phẩm lợi thế theo chiều sâu. Thông qua đó tạo dấu ấn riêng biệt cho từng vùng, từng khu vực. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bằng nguồn lực tại chỗ, góp phần tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hiện nay.
DŨNG CƯỜNG