Nâng tầm lễ hội đền Cao An Phụ

09/10/2022 18:04

Theo thời gian, lễ hội đền Cao An Phụ ở phường An Sinh (Kinh Môn) không còn được tổ chức quy mô lớn như trước khiến nhiều người tiếc nuối.


Một tiết mục văn nghệ được trình diễn tại lễ tưởng niệm 771 năm ngày mất của An Sinh vương Trần Liễu (ảnh tư liệu)

Những người lớn tuổi mong muốn một số nghi lễ, trò chơi dân gian của lễ hội đền Cao An Phụ được phục dựng để gìn giữ những nét đẹp văn hóa của cha ông để lại và xứng tầm với di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nuối tiếc

Đền Cao An Phụ tọa lạc trên đỉnh non thiêng cao nhất dãy An Phụ. Đền thờ An Sinh vương Trần Liễu - vị nhân thần có nhiều công lao tạo dựng nhà Trần (thế kỷ XIII), phụ thân của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. An Sinh vương Trần Liễu mất ngày 1.4.1251 (âm lịch), được nhân dân lập đền thờ trên đỉnh núi An Phụ và lấy ngày này là ngày lễ hội.

Trải qua hàng trăm năm, những nghi lễ truyền thống đền Cao An Phụ vẫn được duy trì. Dù vậy, những năm gần đây việc tổ chức lễ hội đã đổi thay làm nhiều người luyến tiếc.

Từ nhỏ đã được chứng kiến các nghi lễ của lễ hội đền Cao An Phụ, ông Nguyễn Thắng Gắn, ngoài 60 tuổi, ở khu dân cư số 4 (phường An Sinh) không khỏi tiếc nuối vì một số nghi lễ không giữ được nét đẹp như xưa. Trước đây, lễ hội được chính quyền địa phương và nhân dân tổ chức rất lớn, kéo dài 3 ngày. Trong đó ngày 1.4 (âm lịch) là chính hội với các hoạt động rước bài vị quanh làng, tắm mộc dục, múa lân, rồng… Đến năm 1982, phần hậu cung của đền bị cháy, tượng An Sinh vương Trần Liễu bị đốt, 2 mẹ con ông Gắn đã thu hết tro của tượng, xin ý kiến dân làng, hạ 2 câu đối trong đền để bọc đống tro, đặt xuống nền hậu cung, đúng vị trí An Sinh vương Trần Liễu đã ngồi trước đây. Sau đó, một người dân ở tỉnh Thái Bình tặng 1 thân cây mít cổ thụ, gia đình ông Gắn đã thuê người tạc lại tượng An Sinh vương và đưa vào đền thờ.

Theo lời kể của ông Gắn, ngày 26.3 (âm lịch) là ngày đưa tượng vào đền thờ nên dân làng lấy ngày này làm ngày rước tượng. Từ đó, lễ hội đền Cao An Phụ có tục rước tượng thay cho rước bài vị. Trong lễ rước có thêm 5 chiếc kiệu mang các đồ thờ cúng như xôi, lợn, bánh kẹo, hoa quả, các loại đặc sản của địa phương; có múa lân, múa rồng đẹp mắt. Lễ rước thu hút hàng nghìn người dân địa phương và khách thập phương tham gia. Tục tắm mộc dục được tổ chức trang nghiêm, người được lựa chọn thực hiện nghi lễ phải là thanh niên còn thanh tịnh. Quần áo của tượng An Sinh vương sau khi thay sẽ được cắt nhỏ phát cho người dân để lấy may mắn. Các nghi thức trong chính lễ được thực hiện nghiêm trang như đọc tế văn, dâng hương, các ban ngành, đoàn thể, thôn... đặt lễ, thắp hương, cầu bình an. Một trong những hoạt động thu hút đông đảo người dân đến lễ hội là phần biểu diễn văn nghệ của các thôn, làng, nhiều trò chơi dân gian như vật, chọi gà, đánh đu, hội thi làm bánh, giã giò…

Mong được khôi phục

Ngày 22.12.2016, cùng với động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương, đền Cao An Phụ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đầu năm nay, lễ hội đền Cao An Phụ đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và công nhận quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là khu du lịch cấp tỉnh.

Dù có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn với cảnh quan đẹp nhưng hiện lượng khách thập phương đến với đền Cao An Phụ không đông như trước. Theo ông Nguyễn Doãn Đài, khu dân cư số 2 (phường An Sinh), hiện nay một số nghi lễ như rước tượng xung quanh làng, múa lân, múa rồng, hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian không còn nên kém hấp dẫn người dân bản địa cũng như du khách thập phương. Quy định việc để xe khiến những người mang đồ thờ cúng, nhất là những người thực hiện các khóa lễ cầu kỳ, nhiều đồ tế lễ phải mang vác xa hoặc phải thêm chi phí thuê gánh đồ. Người đến tham quan di tích phải mua vé nên nhiều người không thoải mái khi đi lễ…

Bà Nguyễn Thị Kha, Trưởng Phòng Văn hóa thị xã Kinh Môn cho biết: “Nhiều người dân không còn mặn mà với các nghi lễ trong lễ hội khiến việc tổ chức khó khăn. Muốn thực hiện các nghi lễ chúng tôi phải đi thuê người, nhưng nhiều lúc tìm người để thuê cũng khó, không có người tự nguyện tham gia như trước".

Ở An Phụ, người dân truyền tai nhau câu nói “Đi cửa cha, về cửa mẹ". Có nghĩa là đầu năm bao giờ cũng phải đến lễ ở đền Cao An Phụ, sau đó mới đi lễ ở những nơi khác. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, du khách thập phương đến khu di tích này không còn đông. Ông Nguyễn Doãn Đài cho biết thêm: “Trước đây, người dân thường đi lễ đền Cao An Phụ từ sau Tết cho đến khi kết thúc lễ hội vào ngày 1.4 (âm lịch) song hiện nay tôi chỉ thấy người dân đến vào ngày Tết và lễ, còn ngày thường không có và số người đến vào dịp lễ hội cũng không đông như trước đây”.

Để lễ hội đền Cao An Phụ xứng tầm quốc gia, đồng thời gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, người dân địa phương mong muốn thời gian tới thị xã Kinh Môn, Ban Quản lý di tích đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá lễ hội cũng như danh thắng tới người dân. Phối hợp TP Chí Linh và tỉnh Quảng Ninh xây dựng các tour du lịch tâm linh thu hút khách du lịch cũng như khách đi lễ. Khôi phục lại nghi lễ truyền thống đã được người dân tổ chức trước đây, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian... để nơi đây thật sự là điểm đến đầu tiên trong năm không chỉ của người dân trong vùng mà cả khách thập phương.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng tầm lễ hội đền Cao An Phụ