Việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường…
Hơn 10 loại sản phẩm của Xí nghiệp tư nhân Thanh Long đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Từ năm 2004, Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp” được thực hiện nhằm thúc đẩy hoạt động sở hữu công nghiệp (SHCN), góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp được hỗ trợCông ty TNHH một thành viên ViGol được thành lập năm 2010 ở xã Tái Sơn (Tứ Kỳ) chuyên sản xuất sơn, bột bả, bột chống thấm. Ngay sau khi thành lập, công ty đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Covic cho các sản phẩm sơn. Ông Phạm Cao Quyền, Giám đốc công ty cho biết: “Trước khi đăng ký, chúng tôi đã tìm hiểu quyền bảo hộ SHCN thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sau đó đến Phòng Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ) để đăng ký. Sản phẩm được bảo hộ, có nhãn hiệu riêng nên chúng tôi rất yên tâm. Đến nay, sản phẩm đã tạo dựng được lòng tin đối với khách hàng”.
Xí nghiệp tư nhân Thanh Long (TP Hải Dương) được thành lập năm 2000, chuyên sản xuất các loại sứ dân dụng, sứ mỹ nghệ. Trước đây, nhiều nơi sản xuất gốm sau đó lấy tên gốm sứ Thanh Long để dễ tiêu thụ. Năm 2005, xí nghiệp đã tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu “Sứ Thanh Long” và bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho các bộ sản phẩm sứ của xí nghiệp. Hằng năm, có sản phẩm mới, xí nghiệp đều đăng ký bảo hộ cho sản phẩm. Ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc xí nghiệp cho biết: “Hiện nay, xí nghiệp có hơn 10 sản phẩm được bảo hộ quyền SHCN. Các sản phẩm được độc quyền về kiểu dáng công nghiệp nên nếu có hàng giả trà trộn vào thị trường rất dễ nhận biết”.
Để bảo hộ quyền SHCN cho các doanh nghiệp, tỉnh ta đã sớm nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm quản lý và thúc đẩy hoạt động SHCN như Chỉ thị số 18/CT-UB ngày 19-7-2000 về việc tăng cường công tác quản lý SHCN; Quyết định số 2949-2002/QĐ-UB ngày 27-6-2002 quy định một số biện pháp quản lý các hoạt động SHCN trên địa bàn tỉnh. Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực SHCN giai đoạn 2004-2006” đã có hiệu quả với hơn 75 doanh nghiệp đăng ký hồ sơ bảo hộ quyền SHCN cho sản phẩm, hạn chế được tình trạng vi phạm bản quyền, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp. Sau đó, đề án tiếp tục triển khai ở các giai đoạn: 2007-2010, 2011-2015.
Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã chỉ đạo các phòng chuyên môn khảo sát tình trạng SHCN tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo từng năm. Mỗi năm khảo sát hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Qua đó, đơn vị có biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền SHCN. Đơn vị đã xây dựng cơ sở dữ liệu gồm có Luật Sở hữu trí tuệ, đối tượng SHCN đã được bảo hộ, cơ sở dữ liệu về thị trường công nghệ, thông tin chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước. Mỗi năm, sở tổ chức 2-3 lớp tập huấn kiến thức về SHCN cho hơn 300 lượt doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về SHCN cho các nhà quản lý. Các doanh nghiệp còn được hỗ trợ, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho nhiều sản phẩm thông qua các hội chợ công nghệ. Từ năm 2004 đến nay, các đơn vị liên ngành đã phát hiện, xử lý gần 500 vụ vi phạm quyền SHCN, góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm công nghiệp. Đến nay, đã có hơn 500 doanh nghiệp được hỗ trợ trong lĩnh vực SHCN. Nhiều doanh nghiệp đã có ý thức đăng ký xác lập quyền SHCN ngay từ khi mới thành lập hoặc ngay khi chuẩn bị cho ra thị trường những sản phẩm mới.
Tiếp tục quan tâmĐể thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác tối đa tài sản trí tuệ của đơn vị mình, từ năm 2004 đến nay, được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở KH-CN đã liên tục hướng dẫn thủ tục xác lập quyền SHCN, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHCN, thực hiện các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp thông qua Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực SHCN”. Mỗi năm tỉnh hỗ trợ hơn 300 triệu đồng để thực hiện đề án. Việc đăng ký bảo hộ quyền SHCN thể hiện lợi thế cạnh tranh trong thương mại. Các đối tượng SHCN cần được đăng ký bảo hộ nhằm bảo đảm tối đa các quyền lợi. Vì vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt đầu quan tâm hơn tới quyền bảo hộ SHCN. Theo thống kê của Sở KH-CN, số đơn đăng ký quyền bảo hộ SHCN trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Nếu như những năm đầu thực hiện đề án chỉ có 71 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN thì năm 2012 đã có 252 đơn vị đăng ký. Những kết quả của đề án đã góp phần nâng cao nhận thức về SHCN cho các doanh nghiệp, tạo động lực mạnh mẽ khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động tham gia đăng ký bảo hộ quyền SHCN để bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ của mình.
Hải Dương luôn quan tâm giúp các doanh nghiệp thực hiện quyền sở hữu công nghiệp
Thời gian tới, Sở KH-CN tiếp tục tuyên truyền, từng bước nâng cao nhận thức về SHCN, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá và phát triển thương hiệu, khai thác có hiệu quả thông tin về SHCN. Sở tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn quan tâm, hướng dẫn các doanh nghiệp làm hồ sơ, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, công khai, hiệu quả, đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, phù hợp với thực tiễn trong nước và tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp, quản lý việc xâm phạm quyền SHCN trên địa bàn.
SHCN là các lĩnh vực pháp lý, bảo hộ quyền sở hữu đối với các thành quả nghiên cứu có thể áp dụng trong công nghiệp. SHCN bao hàm các lĩnh vực sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp, tên thương mại và bí quyết kinh doanh. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay lĩnh vực SHCN đáng quan tâm nhất là kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu.
|
|
MINH NGUYÊN