Việc triển khai ký kết thỏa ước nhóm giúp người lao động hưởng quyền lợi cao hơn luật định
Thực hiện chương trình thí điểm dự án "Thúc đẩy đối thoại - Thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT)" được ký kết giữa Tổng Liên doàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công đoàn (CĐ) Hà Lan, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh đã ký kết 2 thỏa ước nhóm với 10 doanh nghiệp (DN) dệt may tại quận Tân Bình và Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức). Mỗi thỏa ước nhóm có từ 11-13 điều khoản có lợi cho người lao động (NLĐ) cao hơn luật quy định. Sau 6 tháng triển khai, bên cạnh một số kết quả tích cực vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại.
Kiên trì vận động
4 DN may trên địa bàn quận Tân Bình tham gia thực hiện thí điểm chương trình gồm Công ty TNHH May mặc G&G II, Công ty TNHH May Đại Hồng Thái, Công ty TNHH Dệt may Nguyên Dung và Công ty TNHH SX-TM Trương Vui.
Chia sẻ về quá trình vận động DN tham gia thực hiện thỏa ước nhóm trên địa bàn quận, ông Trần Văn Quang, cán bộ chuyên trách LĐLĐ quận Tân Bình, cho hay các DN dệt may trên địa bàn quận khác nhau về quy mô, ngành nghề, do đó khi LĐLĐ quận vận động, có DN rất hào hứng nhưng cũng có DN không tha thiết. Vì thế, sau khi thỏa ước nhóm được ký kết, việc bảo đảm phúc lợi cho NLĐ tại mỗi DN cũng khác nhau.
Cũng theo ông Quang, có 1 DN tham gia ký kết thỏa ước nhóm sẽ giải thể, do vậy buộc lòng LĐLĐ quận sẽ tìm 1 đơn vị khác thay thế. "Chúng tôi sẽ tiếp tục mời các DN dệt may khác để tham gia vào ký kết cũng như nghiên cứu, thực hiện thỏa ước nhóm ngành logistics" - ông Quang khẳng định.
Thỏa ước lao động tập thể của Công ty CP May Sài Gòn 3 (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cao hơn thỏa ước nhóm
Tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, 6 DN tham gia thực hiện thí điểm gồm Công ty CP May Sài Gòn 3, Công ty TNHH SX-DV-TM Vạn Thành, Công ty TNHH SX-TM-DV Long Cường, Công ty CP SX-TM-DV Xuất nhập khẩu Indira Gandhi, Công ty TNHH Công nghiệp Thương mại Minh Nghệ và Công ty TNHH Sản xuất May mặc Kiều Hưng. Tuy nhiên, theo đánh giá, việc thực hiện thỏa ước nhóm vẫn còn nhiều khó khăn.
Chia sẻ về việc này, bà Đỗ Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức cho biết dịch Covid-19 bùng phát khiến các DN tham gia dự án bị ảnh hưởng, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động... Điều này khiến việc thực hiện thỏa ước nhóm gặp nhiều trở ngại. "Hiện nay, LĐLĐ TP Thủ Đức gồm LĐLĐ quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 cũ nên có thêm nhiều DN ngành dệt may. LĐLĐ TP Thủ Đức sẽ tiếp tục thương lượng để thêm các điều khoản trong thỏa ước nhóm và mời thêm các DN dệt may còn lại tại TP Thủ Đức tham gia vào chương trình" - bà Hiền cho hay.
Dù thỏa ước nhóm dệt may đã ký kết tại LĐLĐ quận Tân Bình, TP Thủ Đức nhưng vẫn chưa triển khai được tại CĐ Dệt may TP Hồ Chí Minh. Hiện CĐ ngành dệt may thành phố quản lý 12 CĐ cơ sở với 8.000 đoàn viên. Do các CĐ cơ sở nằm rải rác trên địa bàn thành phố nên việc tập hợp, ký kết thỏa ước nhóm vô cùng khó khăn. Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố, sắp tới, LĐLĐ thành phố sẽ cố gắng vận động các DN trong CĐ dệt may thành phố để cùng tham gia thỏa ước nhóm cũng như xây dựng thỏa ước nhóm các ngành nghề khác.
Người lao động hưởng lợi
Thỏa ước nhóm ngành dệt may Tân Bình có các điều khoản cao hơn luật như: hằng năm, các DN sẽ thưởng lương tháng thứ 13 cho NLĐ có thời gian làm việc từ đủ 12 tháng trở lên (ít nhất 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động - HĐLĐ); cung cấp bữa ăn ca cho NLĐ với giá trị ít nhất từ 17.000 đồng/bữa; tái ký HĐLĐ cho lao động nữ trong thời gian mang thai hết hạn HĐLĐ; khen thưởng cho NLĐ có năng suất lao động cao; tổ chức cho NLĐ tham quan, du lịch hằng năm...
Chia sẻ về việc thực hiện thỏa ước nhóm, ông Bùi Văn Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Nguyên Dung (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cho biết với nền tảng chăm lo tốt cho NLĐ nên TƯLĐTT của công ty đã cao hơn thỏa ước nhóm. Mong muốn từng bước nâng cao phúc lợi cho NLĐ của ban giám đốc được thể hiện rõ qua những điều khoản cao hơn luật trong TƯLĐTT như: hỗ trợ 1 tháng lương cho nữ công nhân (CN) sinh con; con NLĐ được hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng từ khi mới sinh đến khi học hết đại học; chăm lo cho cha mẹ già của NLĐ hoặc cha mẹ mất khả năng lao động 500.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ nhà trọ cho CN 600.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ vé xe về ăn Tết (bình quân 2 triệu đồng/vé)...
Đặc biệt, để khuyến khích NLĐ gắn bó lâu dài, công ty còn thưởng thâm niên từ 5 triệu đồng (cho người làm liên tục 5 năm) đến 30 triệu đồng (cho người làm liên tục 20 năm). "Mỗi tháng, công ty mời cơm thân mật tất cả NLĐ và chúc mừng, tặng quà cho những người có sinh nhật trong tháng. Nhiều CN gắn bó lâu năm cho biết sở dĩ họ gắn bó với DN hàng chục năm là do ban giám đốc luôn chăm lo cho NLĐ bằng tình cảm như người thân trong gia đình nên vấn đề thực hiện thỏa ước nhóm tại DN vô cùng thuận lợi" - ông Sơn cho hay.
Thỏa ước nhóm TP Thủ Đức có 13 nội dung có lợi cho NLĐ cao hơn luật quy định như: Trả lương cho NLĐ cao hơn 6% trở lên so với lương tối thiểu vùng; thưởng cho NLĐ có sáng kiến, cải tiến với mức thưởng ít nhất 5% giá trị làm lợi; hỗ trợ suất ăn giữa ca thấp nhất 17.000 đồng/người/suất. Ngoài ra, hằng năm, các DN tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; NLĐ làm việc 10 năm trở lên tại DN được thưởng thêm 1 ngày nghỉ, được trả nguyên lương vào dịp Tết Nguyên đán...
Chia sẻ về việc thực hiện thỏa ước nhóm tại DN, ông Phạm Văn Có, Chủ tịch CĐ Công ty CP Sài Gòn 3 nói: "Hiện TƯLĐTT của DN đã cao hơn thỏa ước nhóm nên việc thực hiện vô cùng thuận lợi, ban giám đốc rất ủng hộ. Một số điểm tiến bộ trong TƯLĐTT của công ty phải kể đến như: nữ CN mang thai mỗi ngày được hỗ trợ 1 hộp sữa tươi, suất ăn giữa ca 20.000 đồng/người, NLĐ được công ty mua bảo hiểm tai nạn 24/24 giờ".
Theo báo Người lao động