Nắng nóng thiêu đốt đã khiến nhiệt độ vượt 45 độ C tại một số vùng miền của Tây Ban Nha, trong khi tại Pháp, nhiệt độ ở nhiều khu vực cũng lên đến mức kỷ lục.
Khói bốc lên tại đám cháy rừng ở đảo La Palma (Tây Ban Nha) ngày 15.7 (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 18.7, Tây Ban Nha đã ban bố các cảnh báo "nguy hiểm cực độ" do nhiệt độ thiêu đốt tại ba vùng ở nước này, trong khi lực lượng cứu hỏa cho biết đám cháy hoành hành nhiều ngày qua tại quần đảo Canary "đã thiêu rụi gần như tất cả."
Cơ quan Thời tiết Tây Ban Nha (AEMET) cho biết nhiệt độ đạt đỉnh 45,3 độ C tại đô thị Figueres ở vùng Catalonia, miền Đông Bắc nước này, trong khi quần đảo Balearic hứng chịu cái nóng tới 43,7 độ C.
AEMET đã ban bố cảnh báo đỏ về nắng nóng cực đoan tại cả hai khu vực trên cũng như tại Aragon, đều thuộc Đông Bắc Tây Ban Nha; đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài vào các khung giờ nóng nhất trong ngày và uống đủ nước.
Theo AEMET, nửa tháng 7 đã trôi qua và cho đến nay, hầu như ngày nào nhiệt độ cũng cao hơn mức bình thường. Trên thực tế, 17 ngày vừa qua của tháng này là mốc nóng thứ ba trong lịch sử chỉ sau năm 2015 và 2022.
Bộ Nội vụ cho biết hầu hết Tây Ban Nha đang đối diện rủi ro cháy rừng "rất cao" hoặc "cực kỳ cao" do nhiệt độ như thiêu đốt đang ảnh hưởng tới hầu khắp khu vực Địa Trung Hải.
Kể từ ngày 15.7 vừa qua, hàng trăm lính cứu hỏa cùng hàng chục máy bay chữa cháy vẫn đang nỗ lực khống chế đám cháy rừng lớn trên đảo La Palma thuộc quần đảo Canary. Cho đến nay, hỏa hoạn đã thiêu rụi 3.500 ha, cùng khoảng 20 ngôi nhà và nhiều công trình, buộc 4.000 cư dân phải đi sơ tán.
Các nhà khoa học nhận định khả năng cao nắng nóng cực đoan hơn sẽ xuất hiện thường xuyên hơn cũng như hoành hành trên diện rộng hơn do biến đổi khí hậu.
Pháp ghi nhận các mức nhiệt cao kỷ lục
Cùng ngày, tại Pháp, Cơ quan Thời tiết Meteo France đã ghi nhận nhiều kỷ lục nhiệt độ tại một số trạm quan trắc thời tiết ở miền Nam, trong đó có các vùng núi Alps và Pyrenees.
Theo Meteo France, nhiệt độ lên tới 29,5 độ C tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Alpe d'Huez trên dãy Alps, dù khu này nằm ở độ cao 1.860m so với mực nước biển.
Tại Verdun nằm ở chân dãy núi Pyrenees, lần đầu tiên ghi nhận mốc nhiệt 40,6 độ C.
Bên cạnh đó cũng đã xuất hiện các kỷ lục nhiệt độ cục bộ khác ở Renno nằm trên các ngọn đồi thuộc đảo Corsica (38,3 độ C), hay tại Aups (38,6 độ C) và Vauvenargues (37,3 độ C) ở cực Nam của Pháp.
Hầu hết nước này tránh được đợt sóng nhiệt nghiêm trọng nhất đang bao trùm khu vực Nam Âu, duy chỉ có 7/96 tỉnh trên đất liền đang duy trì cảnh báo nắng nóng màu cam, dưới một mức so với mốc cao nhất. Dự kiến trong ngày 19.7 (giờ địa phương), thêm ba tỉnh khác ở miền Nam nước Pháp sẽ ban bố cảnh báo thời tiết này.
Năm ngoái, Pháp đã trải qua một mùa hè "thiêu đốt" với nhiều kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận trên khắp cả nước. Mức nhiệt cao kỷ lục trên toàn lãnh thổ Pháp là 46 độ C, đo được tại Verargues, gần Montpellier, miền Nam nước này hồi năm 2019.
Theo TTXVN