Nâng cao văn hóa ứng xử từ cổng cơ quan, đơn vị

04/08/2015 17:58

Cổng ra vào là nơi đón tiếp đầu tiên của cơ quan, đơn vị.


Tuy nhiên, không ít người dân, khách hàng cảm thấy bức xúc, ức chế vì bị đối xử tệ ngay khi bước vào cổng của một số cơ quan, đơn vị hoặc cơ sở khám, chữa bệnh.

Thông thường, đối với những người đã đến giao dịch nhiều lần thì sẽ biết được cần đến chỗ nào, hỏi ai, đâu là lán xe dành cho cán bộ, nhân viên cơ quan, đâu là lán xe dành cho khách... Tuy nhiên, với những người dân, nhất là từ nông thôn lần đầu đến cơ quan, họ rất bỡ ngỡ nếu không có sự chỉ dẫn tận tình của nhân viên bảo vệ. Thực tế cho thấy không phải bảo vệ cơ quan nào cũng được tập huấn, nhắc nhở về phép lịch sự tối thiểu khi đón tiếp người dân đến giao dịch. Tình trạng bảo vệ cơ quan quát dân kiểu: “Mang xe ra đằng kia mà để! Mù không trông thấy biển à?”, rồi “Hỏi ai? Có việc gì?”... không phải hiếm. Ở một số bệnh viện trong tỉnh, nhiều người cảm thấy bức xúc với bảo vệ trông xe bởi mỗi ngày họ phải ra, vào chăm sóc, thăm nom người bệnh nhiều lần, tốn khá nhiều chi phí cho việc gửi xe. Gia đình họ vốn đã khổ do phải đi khám chữa bệnh với bao chi phí điều trị, thuốc men, nay lại trở thành nạn nhân của dịch vụ trông giữ xe "chặt chém". Thậm chí, có trường hợp nhân viên trông xe của bệnh viện  khi thấy người nhà bệnh nhân gửi xe nhưng quên không rút chìa khóa, bèn giấu chìa khóa đi rồi yêu cầu người nhà bệnh nhân phải chuộc...

Thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị đã thực sự quan tâm đến việc trưng dụng những nhân viên bảo vệ, trông xe có kỹ năng giao tiếp lịch sự, tạo sự hài lòng cho nhân dân, khách hàng đến giao dịch ngay khi bước vào cổng. Tiêu biểu như trụ sở Văn phòng Viễn thông - Bưu điện tỉnh Hải Dương, khách hàng đến giao dịch không phải trả tiền vé trông xe mà còn được nhân viên phục vụ ghi số, lau xóa số và hướng dẫn việc để xe theo hàng lối cẩn thận. Ở Bệnh viện Ðại học Y, Bệnh viện Đa khoa TP Hải Dương... nhân viên trông xe có thái độ cư xử đúng mực, thu tiền vé theo quy định.

Văn hoá trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là tài sản vô hình. Vì vậy, những khẩu hiệu, hay quy tắc ứng xử không chỉ được treo trong phòng họp mà cần được ban lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai áp dụng rộng rãi, quán triệt và yêu cầu bảo vệ cơ quan thực hiện nghiêm túc ngay từ nơi đầu tiên người dân đến tiếp xúc làm việc, đó là cổng ra vào của cơ quan. Các cơ quan, đơn vị cần xử lý nghiêm những nhân viên bảo vệ có thái độ ứng xử thiếu văn hoá, những người trông giữ xe thu tiền sai quy định.

NHÂN HÒA (Gia Lộc)

(0) Bình luận
Nâng cao văn hóa ứng xử từ cổng cơ quan, đơn vị