Sáng 26.5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chủ trì tọa đàm với chuyên gia các bộ, ngành, đơn vị có liên quan về Đề án Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì buổi tọa đàm
Thông tin tại tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Thanh Đề cho biết: Qua các cuộc làm việc, ban soạn thảo và tổ biên tập đề án đã tổng hợp, hoàn thiện cấu trúc, nội dung của đề án. Ban soạn thảo cũng đã gửi các chuyên gia bộ, ngành liên quan đóng góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện đề án, đảm bảo nội dung và tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ.
Đề án có mục tiêu chung: Đẩy mạnh hoạt động sức khỏe học đường nhằm đảm bảo toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, cùng với 6 mục tiêu cụ thể.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi cụ thể những nội dung đã được chỉnh sửa, bổ sung trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp của các thành viên; những điều chỉnh từ tên gọi đến cấu trúc, nội dung, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn xây dựng đề án cũng như mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện đề án…
Đề án hoàn thiện trên cơ sở tập trung cho 3 nội dung nổi bật: nước sạch vệ sinh môi trường, bữa ăn học đường và giáo dục thể chất, hướng đến xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, an toàn, đạt chuẩn sức khỏe học đường.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao nỗ lực của các thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập và chuyên gia tham gia xây dựng và hoàn thiện đề án.
Thứ trưởng đề nghị, ban soạn thảo bám sát Luật trẻ em để xác định rõ đơn vị, tổ chức cùng thực hiện đề án. Trong đó, có các tổ chức chính trị, xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe học sinh. Quan tâm tăng cường truyền thông sức khỏe học đường. Nhấn thêm chỉ số về công tác quản lý trong chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh…
Thứ trưởng lưu ý, chỉ tiêu đặt ra trong đề án phải đảm bảo tính thiết thực, khả thi, số lượng đi liền với chất lượng, tính bền vững trong thực hiện đề án… Đề án nêu rõ thực trạng sức khỏe học đường trên cơ sở căn cứ, số liệu rõ ràng để thấy được sự cần thiết của việc xây dựng và triển khai công tác này trong nhà trường. Tính đến vấn đề nguồn nhân lực thực hiện đề án, bổ sung cơ chế phối hợp để thực hiện thành công đề án.
Theo Giáo dục và Thời đại