Những xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trong tỉnh đang tìm nhiều giải pháp phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, các xã cần đa dạng hóa các ngành nghề
Chưa theo kịp tiêu chí
Trong bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Hải Dương do UBND tỉnh ban hành ngày 30.6.2017 thì thu nhập là một trong những tiêu chí khó thực hiện vì đòi hỏi cao và biến động theo từng năm. Theo đó, năm 2016 mức thu nhập của mỗi người dân ở xã đạt chuẩn là 33 triệu đồng, năm 2017 là 37 triệu đồng, năm 2018 tăng lên 41 triệu đồng, năm 2019 là 45,5 triệu đồng và năm 2020 là 50 triệu đồng.
Năm 2014, khi được công nhận đạt chuẩn NTM, mức thu nhập bình quân của mỗi người dân ở xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng) đạt trên 20 triệu đồng, đến năm 2017 tăng lên 35 triệu đồng. Đối chiếu với quy định trong bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2016 - 2020 thì vẫn còn thiếu 2 triệu đồng/người/năm. Ông Phạm Văn Ngọ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết: "Những năm qua, xã đã có nhiều giải pháp phát triển kinh tế như khuyến khích người dân vào làm việc trong các doanh nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi... Nhưng do giá bán các sản phẩm nông nghiệp thấp, thậm chí người dân bị lỗ, đã ảnh hưởng đến thu nhập chung của xã".
Ở một số xã, tại thời điểm được công nhận chuẩn NTM thì tiêu chí thu nhập đạt quy định nhưng đến nay lại không đáp ứng được yêu cầu. Đại diện Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết: "Nguyên nhân do một số xã không nghiên cứu các quy định mới để biết sự thay đổi của tiêu chí. Cũng có xã chủ quan, bằng lòng với kết quả đạt được nên không cố gắng phấn đấu nâng cao chất lượng tiêu chí. Có xã điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, tất cả đều đã đến ngưỡng, không thể cố gắng để nâng cao thu nhập thêm được nữa".
Theo Quyết định số 372/QĐ-TTg ngày 14.3.2014 của Thủ tướng Chính phủ về xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn NTM thì sau 5 năm, địa phương đó phải tổ chức đánh giá lại để được tái công nhận đạt chuẩn. Như vậy, thời điểm tái thẩm định các xã đạt chuẩn NTM ở Hải Dương đã cận kề. Các xã đã đạt chuẩn nếu chủ quan, không đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân thì đến khi thẩm định lại sẽ không đạt tiêu chí thu nhập, xã đó sẽ không được công nhận đạt chuẩn NTM.
Cần đa dạng hóa ngành nghề
Những năm qua, Hải Dương đã có nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân. Tỉnh đang thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp với nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai cho doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Trong tỉnh hiện có 10 khu công nghiệp, 33 cụm công nghiệp đang hoạt động, 65 làng nghề truyền thống cùng hàng trăm nghề phụ, góp phần giải quyết việc làm cho người dân. Với những xã gần đường giao thông, có nhiều cụm, khu công nghiệp thì việc nâng cao thu nhập khá thuận lợi. Trái lại, các xã xa trung tâm, kinh tế thuần nông thì việc này tương đối khó khăn.
Không bằng lòng với những kết quả đã đạt được, ngay sau khi đạt chuẩn NTM, xã Long Xuyên (Kinh Môn) đã tiếp tục đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế. Ông Phạm Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Long Xuyên cho biết xã khuyến khích nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm sạch, trái vụ, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường. Đến nay, xã đã hình thành được vùng chuyên canh sử dụng nhà màng, nhà lưới rộng 1.000 m2, chuyên trồng các loại rau trái vụ, rau gia vị... cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/ha/năm trở lên. Ngoài ra, diện tích hành, tỏi, rau màu khác cũng cho thu nhập khoảng 180 triệu đồng/ha/năm. Xã hiện có cụm công nghiệp Long Xuyên với 10 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho phần lớn lao động của địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Do đa dạng các ngành nghề, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của xã đạt 40,26 triệu đồng, tăng hơn 4 triệu đồng so với năm 2016.
Theo ông Trần Khắc Đoan, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân thì lãnh đạo địa phương cần phải năng động, đưa ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế. Các địa phương không chỉ đa dạng hóa các ngành nghề, mà cần lựa chọn một nghề, một lĩnh vực mũi nhọn phù hợp với đặc thù, tình hình của địa phương để tập trung phát triển chuyên sâu thành đặc trưng riêng, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tỉnh cần có cơ chế ưu tiên những xã đã đạt chuẩn NTM trong thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân.
THANH HÀ