Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, mong đợi của cử tri, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội là yêu cầu quan trọng, thường xuyên, thông qua trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức.
Quang cảnh hội nghị
Ngày 8.10, tại Hà Nội, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị giới thiệu kiến thức và kỹ năng cơ bản cho đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử lần đầu.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Với số lượng cử tri đi bầu lớn nhất từ trước tới nay (99,6%), Quốc hội đã bầu được 499 đại biểu Quốc hội, cơ bản bầu đủ đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp, khẳng định công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ, đúng quy định của pháp luật.
Có gần 300/499 đại biểu Quốc hội là lần đầu trúng cử, do đó việc tổ chức hội nghị giới thiệu những kiến thức, kỹ năng cơ bản, nhằm cung cấp hành trang ban đầu để đại biểu Quốc hội thực hiện đúng, đủ, tròn, chính xác nhiệm vụ của người đại biểu, xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân là việc làm cần thiết.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, là nhiệm kỳ Quốc hội khởi đầu của giai đoạn phát triển đất nước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Để thực hiện đầy đủ, toàn diện vai trò, trách nhiệm Quốc hội, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các đại biểu Quốc hội khóa XV cần nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí và trách nhiệm của Quốc hội trong hệ thống chính trị nước ta do Đảng lãnh đạo; từ đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, 4 khâu cần được quan tâm tiếp tục đổi mới, đột phá trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Đó là kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân trên cơ sở tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn, nhất là việc quyết định ngân sách Nhà nước, các vấn đề về kinh tế-xã hội, tổ chức bộ máy Nhà nước, các dự án công trình quan trọng quốc gia; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, hiện nay, Bộ Chính trị đã triển khai xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045", đồng thời, giao Đảng đoàn Quốc hội xây dựng chuyên đề "Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, mong đợi của cử tri, việc nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu là yêu cầu quan trọng, thường xuyên, thông qua trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh chỉ rõ, cử tri ngày càng quan tâm, kỳ vọng, đòi hỏi nhiều hơn về ý thức trách nhiệm, bản lĩnh, năng lực của những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn thể nhân dân. Đại biểu Quốc hội khóa XV đứng trước những thách thức to lớn trong việc thực hiện trọng trách mà cử tri và nhân dân giao phó.
Trong số những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, khoảng 60% là những người trúng cử lần đầu, mặc dù đã qua kinh nghiệm công tác trên nhiều vị trí khác nhau nhưng vẫn cần làm quen với môi trường hoạt động đặc thù như Quốc hội, với những nhiệm vụ, quyền hạn mới.
Chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội rất cần được cung cấp kiến thức cơ bản về tổ chức, hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; một số kỹ năng hoạt động đại biểu. Những kiến thức, kỹ năng này sẽ là hành trang cơ bản song hành với các đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các chuyên đề về thẩm tra và kỹ năng thẩm tra dự án luật, pháp lệnh; về kỹ năng phát biểu, thảo luận, tranh luận, kỹ năng tiếp xúc, trả lời với báo chí tại hội trường; chuyên đề về Quốc hội với việc sử dụng kết quả kiểm toán về Ngân sách Nhà nước...
Theo Vietnam+