Nâng cao năng lực công trình thủy lợi

22/05/2014 14:17

Những năm qua tỉnh ta đã đặc biệt quan tâm việc đầu tư xây mới, nâng cấp và cải tạo các công trình thủy lợi, nhất là các hệ thống kênh mương và trạm bơm...



Trạm bơm My Động, xã Tiền Phong (Thanh Miện) dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay
sẽ góp phần tiêu úng ở các xã khu nam của huyện


Để phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai, những năm qua tỉnh ta đã đặc biệt quan tâm việc đầu tư xây mới, nâng cấp và cải tạo các công trình thủy lợi, nhất là các hệ thống kênh mương và trạm bơm, góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Tích cực đầu tư

Trước khi trạm bơm Tiên Kiều đi vào hoạt động, hơn 4.000 ha lúa và rau màu của xã Đức Chính (Cẩm Giàng) phải tiêu tự chảy. Khi mưa lớn, do không được bơm tiêu thoát nước kịp thời nên nhiều khu đồng trũng của xã thường xuyên bị ngập trắng. Rau màu và lúa vụ mùa bị chết do ngập úng kéo dài nên một số hộ dân có ruộng ở những khu vực này đã bỏ ruộng hoang. Tháng 4-2013, trạm bơm Tiên Kiều với công suất hơn 8.000 m3/giờ được xây dựng, tổng kinh phí khoảng 151 tỷ đồng đã giúp việc tưới, tiêu của nhiều địa phương ở Cẩm Giàng thuận lợi. Ông Nguyễn Bá Chủ ở thôn Lôi Xá, xã Đức Chính cho biết: "Nhà tôi có 2 sào ruộng thuộc khu đồng trũng, năm nào cấy lúa mùa xong cũng phấp phỏng lo phải cấy lại, bởi hễ cứ mưa lớn là ruộng ngập trắng, vài ngày sau nước mới rút. Năm 2013, trạm bơm Tiên Kiều hoạt động đã giúp tiêu thoát nước nhanh. Cơn bão số 8 năm 2013, mặc dù lượng mưa lớn nhưng lúa nhà tôi đã không bị chết do bị ngập úng ".

Theo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Thanh Miện, từ năm 2009 đến nay, huyện đã có 5 công trình kênh mương thủy lợi được nạo vét, kiên cố như: kênh tưới Đoàn Tùng A, Đoàn  Tùng B (xã Đoàn Tùng); kênh tưới chính trạm bơm Thanh Tùng A (xã Thanh Tùng); kênh T2 trạm bơm Cống Giác (xã Tứ Cường); nạo vét sông cạnh đường 20, sông Đông La - Bình Cách... Huyện đã tiếp nhận 2 trạm bơm xây mới gồm Phượng Hoàng A và Phượng Hoàng B (thị trấn Thanh Miện). Theo Ông Vương Quốc Quỹ, Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Thanh Miện, nhiều công trình thủy lợi của huyện được đầu tư xây mới hoặc tu bổ, cải tạo đã góp phần giúp giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt, công trình nạo vét và kè mái sông đường 20 với chiều hơn 3,2 km được đưa vào sử dụng đã tăng khả năng dẫn nước cho các trạm bơm tưới, tiêu. Bên cạnh trạm bơm My Động (xã Tiền Phong) sắp hoàn thành, tỉnh cũng đang khảo sát và đầu tư xây mới trạm bơm Phí Xá (xã Lê Hồng) với tổng kinh phí hơn 152 tỷ đồng, giúp cho việc tiêu thoát nước của 7 xã khu bắc và 5 xã khu nam của huyện được thuận lợi hơn.

Việc xây dựng các trạm bơm mới là một giải pháp quan trọng để nâng cao khả năng tưới, tiêu. Năm 2013, tỉnh ta đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng xây dựng 3 trạm bơm lớn, gồm: Cổ Ngựa (Ninh Giang), Cầu Dừa (Tứ Kỳ) và Đoàn Thượng (Gia Lộc), dự kiến sẽ đưa vào sử dụng năm 2015, giúp cho việc tưới tiêu hiệu quả, nhất là tiêu úng nội đồng. Ngoài ra, công ty còn thường xuyên tu sửa, cải tạo, nâng cấp máy móc, thiết bị và khơi thông dòng chảy. Nhiều máy bơm có công suất 1.000 m3/giờ được thay thế bằng máy bơm có công suất lớn hơn. Năm nay, tỉnh đầu tư hơn 1.230 tỷ đồng để tu bổ đê điều, thủy lợi. Đây là nguồn vốn lớn giúp cho các địa phương nâng cao năng lực các công trình đê điều, thủy lợi, chủ động đối phó và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cần tiếp tục quan tâm

Ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Hằng năm, tỉnh ta có hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại do úng, ngập, riêng năm 2013, có hơn 9.000 ha lúa xuân bị giảm năng suất do hạn hán và hơn 20 nghìn ha lúa mùa bị ảnh hưởng do úng ngập. Trước đây, phần lớn các công trình thủy lợi được xây dựng chỉ để phục vụ tưới, tiêu cho 2 vụ lúa thì nay ở nhiều địa phương đã có khoảng 30-40% diện tích đất canh tác được từ 3-4 vụ/năm. Do đó, nhiều công trình thủy lợi không còn khả năng phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay áp lực lên các công trình thủy lợi rất lớn còn do vi phạm hành lang công trình cũ chưa được giải quyết thì vi phạm mới đã phát sinh, làm ảnh hưởng đến dòng chảy. Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh hiện còn gần 6.000 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi, trong đó mới chỉ xử lý được 40 trường hợp. Ao, hồ ở các vùng nông thôn bị nhà cửa, công trình giao thông lấn chiếm khiến hệ số tưới, tiêu trước yêu cầu mới phải tăng gấp 3-4 lần so với thiết kế. Việc nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi đang là nhiệm vụ quan trọng để góp phần giảm nhẹ thiên tai.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong những năm qua, tổng số vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi chỉ đạt 20% so với kế hoạch đề ra. Trước mùa mưa bão năm nay, khi chưa được đầu tư xây mới các công trình thủy lợi thì các địa phương cần chủ động cải tạo, duy tu, sửa chữa để phục vụ tưới tiêu hiệu quả, góp phần giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao năng lực công trình thủy lợi