Hàng loạt nghiệp vụ hải quan quan trọng đã được Chi cục Hải quan Hải Dương số hóa thời gian qua. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ giúp đơn vị thực hiện mô hình hải quan thông minh.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ hướng đến hải quan thông minh (ảnh Chi cục Hải quan Hải Dương cung cấp)
Từ hải quan số...
Với đặc thù công việc, ngành hải quan đã thực hiện số hóa nhiều quy trình nghiệp vụ từ những năm 2000. Qua nhiều giai đoạn, điểm nhấn rõ nét nhất trong ứng dụng công nghệ thông tin là việc triển khai hệ thống thông quan điện tử VNACCS năm 2014.
Ông Đinh Xuân Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hải Dương cho biết: “Ứng dụng VNACCS cho phép doanh nghiệp (DN) chỉ cần khai trên một bản khai tờ khai hải quan điện tử tổng hợp. Hệ thống này còn cho phép tự động xác định thuế suất theo từng mã HS (mã số dùng để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu trên toàn thế giới) ứng với từng mặt hàng và có nhiều cảnh báo logic dữ liệu nên hạn chế được sai sót trong quá trình khai báo hải quan. Thời gian tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin khai báo chỉ tính bằng giây. Đối với tờ khai được phân luồng xanh thì chỉ 3-5 giây là DN nhận được quyết định thông quan, giúp DN có thể lấy hàng ra khỏi cảng ngay khi có thông báo thông quan”.
Năm 2020, Chi cục Hải quan Hải Dương đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất với nhiều nghiệp vụ được số hóa. Đặc biệt, trong năm 2021, 7 mảng nghiệp vụ trọng yếu (với 25 chức năng tương ứng 25 mẫu biểu nghiệp vụ) đã được số hóa bổ sung vào hệ thống này. Cụ thể gồm kiểm tra cơ sở sản xuất; kiểm tra để công nhận địa điểm kiểm tra hàng hóa tại DN; kiểm tra điều kiện giám sát DN chế xuất...
Công ty TNHH Thép Daeho Việt Nam (khu công nghiệp Đại An) là 1 trong gần 500 DN tại Hải Dương có hồ sơ được cập nhật đầy đủ, thường xuyên trên hệ thống điện tử của Chi cục Hải quan Hải Dương. Từ đầu năm đến nay, công ty này đã thực hiện 14 tờ khai nhập khẩu nguyên liệu chính, kim ngạch nhập khẩu gần 2,3 triệu USD cùng 27 tờ khai xuất khẩu với kim ngạch gần 990.000 USD.
Chị Phùng Thị Thúy, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu công ty đánh giá: “Hàng xấp giấy tờ, nhất là định giá lô hàng, đăng ký tờ khai trước đây đều được thay thế bằng những thao tác đơn giản trên máy tính khi khai báo hải quan điện tử. Điều này thực sự có lợi cho những DN có hoạt động xuất nhập khẩu như chúng tôi. Mặt khác, ít giấy tờ cũng đồng nghĩa với tiết kiệm thời gian và chi phí, tính chính xác cũng được cải thiện rõ rệt”.
... đến hải quan thông minh
Theo Chỉ thị số 384/CT-TCHQ ngày 8.2.2022 của Tổng cục Hải quan, năm nay ngành hải quan tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hướng đến mục tiêu hải quan phi giấy tờ, nhất là xây dựng thành công hải quan số, hải quan thông minh.
Thực hiện mục tiêu này, Chi cục Hải quan Hải Dương đã có trên 95% danh mục công việc được số hóa. Cũng từ hệ thống phần mềm, cảnh báo tự động, hiệu quả trong hỗ trợ của đơn vị hải quan đối với DN được nâng cao. Đơn vị đã thành lập nhóm Zalo kết nối với trên 1.000 DN xuất nhập khẩu trong tỉnh để xử lý các nghiệp vụ phổ biến như xử lý tờ khai hải quan, theo dõi, quản lý thu, nộp ngân sách. Tất cả những vướng mắc liên quan đến quy trình hải quan của DN đều được đối thoại, giải đáp trực tuyến.
Nói về mô hình hải quan thông minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hải Dương Đinh Xuân Vinh cho biết: “Mô hình này bảo đảm hàng loạt yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới. Từ thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan cho đến yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin giữa các bộ, ngành, đơn vị, phù hợp chuẩn mực quốc tế. Qua đó tối đa hóa mục tiêu phục vụ người dân, DN”.
Một nền tảng số, hệ thống thông tin thống nhất đang được xây dựng trên cơ sở tham gia đóng góp ý kiến của các đơn vị hải quan. Trong mục tiêu xây dựng hải quan thông minh, nội dung chính được Chi cục Hải quan Hải Dương tham gia là tối ưu hóa hệ thống quản lý loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất. Khi đưa vào sử dụng, mô hình này cho phép DN, hải quan cũng như các bên liên quan như DN vận chuyển, kho bãi… cùng kết nối chung trên một cơ sở dữ liệu. DN xuất nhập khẩu sẽ nắm bắt được toàn bộ tiến trình hàng hóa như địa điểm thông quan, giai đoạn xử lý hồ sơ, vướng mắc cần xử lý. Từ đó nâng cao tính chủ động trong phương án kinh doanh của DN. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có các đơn vị hải quan chủ động nắm bắt toàn bộ thông tin ngay từ khi hàng chưa hạ bãi, chưa đến cửa khẩu. Từ đó có đủ cơ sở để phân tích, đánh giá, quyết định kiểm tra, giám sát, xem xét điều tra, thậm chí bắt giữ trong trường hợp cần thiết.
Chi cục Hải quan Hải Dương hiện có trên 600 doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu. Riêng năm 2021 có gần 2.000 doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan tại đơn vị với khoảng 360.000 tờ khai xuất nhập khẩu. Với hải quan điện tử, số tiền mỗi doanh nghiệp có thể tiết kiệm tương đối lớn. Để hướng tới hải quan thông minh, trong năm 2022, Chi cục Hải quan Hải Dương tập trung số hóa những mảng nghiệp vụ còn lại, bảo đảm 100% nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường mạng. |
Triển khai hệ thống hải quan số và mô hình hải quan thông minh sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn đối với công tác quản lý nhà nước về hải quan và cả doanh nghiệp. HK(tổng hợp) |
HÀ KIÊN