Được sự hỗ trợ của ngành y tế trong tỉnh, người mắc lao được phát hiện ngày càng sớm nên việc điều trị đạt hiệu quả cao.
Người mắc bệnh lao phải điều trị lâu dài và tuân thủ đúng phác đồ điều trị.
Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh hướng dẫn cách điều trị cho bệnh nhân lao
Người bệnh có ý thức hơnCùng với HIV/AIDS, sốt rét, lao là bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhất trên thế giới. Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, nhiều năm qua, người dân trong tỉnh đã chủ động khám, tiêm vaccine phòng chống lao (PCL). Người bệnh cũng ý thức hơn trong điều trị bệnh. Ông Trần Quang Toản (Nam Sách) đang điều trị tại Khoa Lao-HIV-Kháng thuốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: "Tôi bị ho và ra mồ hôi nhiều, đi khám thì phát hiện bị lao phổi. Tôi điều trị tại đây đã được 15 ngày nay, sức khỏe đã khá hơn, không còn ra mồ hôi và ho, ăn uống cũng tốt hơn". Trước đây, nhiều người bỏ dở điều trị giữa chừng thì nay hầu hết các bệnh nhân đều đã có ý thức chữa bệnh dứt điểm.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh còn điều trị lao kháng thuốc nên nhiều bệnh nhân ở tỉnh khác cũng đến điều trị. Anh Đào Đình Phong (29 tuổi) ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết anh bị lao phổi từ năm 2010, sau thời gian điều trị bệnh có giảm, nhưng đến nay lại tái phát. Bệnh của anh được xác định ở thể lao kháng thuốc nhưng ở Hưng Yên chưa điều trị được. "Tôi phải điều trị từ 19-24 tháng. Bị kháng thuốc, tôi phải sử dụng nhiều loại thuốc hơn lao bình thường nhưng may mắn không bị phản ứng phụ. Thời gian điều trị dài, lại xa nhà nhưng tôi vẫn kiên trì để đạt kết quả tốt nhất".
Bác sĩ Dương Thị Huệ, Trưởng Khoa Lao-HIV-Kháng thuốc cho biết: "So với trước đây thì bệnh nhân đã có ý thức phối hợp tốt với chúng tôi nên công tác điều trị hiệu quả cao hơn. Nếu lao thông thường chỉ cần điều trị 6 tháng thì lao kháng thuốc phải điều trị từ 18-24 tháng, đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì. Một số người tự đến các phòng khám riêng để điều trị đã xảy ra phản ứng phụ. Nếu nhẹ thì bị dị ứng, ngứa, nặng dẫn đến sốc phản vệ có thể gây tử vong. Nếu không điều trị tại bệnh viện sẽ thất bại. Để công tác PCL đạt hiệu quả, cách tốt nhất là người bệnh phải tuân thủ phác đồ điều trị".
Năm 2015, toàn tỉnh phát hiện 1.377 người mắc lao ở các thể, giảm 6 người so với năm 2014 và tăng 77 người so với năm 2013. Năm 2015, toàn tỉnh cũng phát hiện 30 bệnh nhân lao kháng thuốc, tăng 18 người so với năm 2013. Nguyên nhân phát hiện bệnh nhân mắc lao ngày càng nhiều là do năm 2015, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi được đầu tư máy Gene Xpert giúp chẩn đoán lao phổi ngay tại bệnh viện thay vì phải gửi mẫu xét nghiệm lên Trung ương như trước đây.
Chú trọng phát hiện, điều trị sớmVới phương châm "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", mạng lưới PCL từ tỉnh đến cơ sở ngày càng rộng khắp. Hiện tại, toàn tỉnh có 16 tổ PCL, 20 cơ sở y tế tư nhân tham gia khám lao, khi phát hiện người nghi bị mắc lao sẽ giới thiệu lên bệnh viện tuyến tỉnh điều trị. Đến nay, 100% số dân được tiếp cận với dịch vụ khám chữa lao. Với người mắc lao thông thường, mỗi tuần được cấp, phát thuốc một lần tại trạm y tế. Đối với người mắc lao kháng thuốc, sau khi điều trị tại bệnh viện về nhà, hằng ngày bệnh nhân ra trạm y tế uống thuốc.
Từ tháng 5-2015 đến nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã sàng lọc bệnh lao cho gần 400 trẻ em tiếp xúc với nguồn lây. Những trường hợp sàng lọc được tư vấn và uống thuốc dự phòng miễn phí trong 6 tháng nhằm hạn chế lây lan bệnh. Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: "Chúng tôi luôn coi trọng phát hiện, điều trị sớm và đúng nguyên tắc. Việc điều trị lao rất cần sự quan tâm của cộng đồng và xã hội. Chương trình PCL quốc gia hiện điều trị miễn phí cho bệnh nhân. Vì vậy, bệnh nhân không nên tự điều trị hoặc điều trị ở các phòng khám tư nhân vì thời gian điều trị khá dài, bệnh nhân khó có điều kiện kinh tế để hoàn thành phác đồ điều trị. Cơ sở y tế tư nhân cũng không đủ điều kiện để chẩn đoán, theo dõi bệnh. Ngoài ra, xã hội không nên kỳ thị, cách ly, xa lánh bệnh nhân lao. Hy vọng đến năm 2030, chúng ta sẽ khống chế được căn bệnh này".
Những năm qua, kết quả chữa khỏi bệnh lao của Hải Dương luôn đạt hoặc vượt mục tiêu quốc gia đề ra. Năm 2015, toàn tỉnh có 93,4% số người mắc lao được chữa khỏi (mục tiêu quốc gia là 85%).
MINH NGUYỆT