Mô hình tạo cho người dân thói quen sản xuất an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Để nâng cao chất lượng, giá trị cây hành, năm 2010-2011, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Cây lương thực và cây thực phẩm) đã thực hiện đề tài sản xuất hành theo hướng VIETGAP tại xã Thăng Long (Kinh Môn) và Nam Trung (Nam Sách) với diện tích 8,5 ha.
Chúng tôi đến thăm xã Nam Trung lúc một số diện tích hành bắt đầu cho thu hoạch. Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nam Trung, hành là cây trồng chủ đạo trong vụ đông của xã. 2 năm gần đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp, nông dân được tiếp cận với quy trình sản xuất hành theo tiêu chuẩn VIETGAP. Toàn xã có 54 hộ tham gia với 3,75 ha. Các hộ được hướng dẫn cách sử dụng phân bón đúng liều lượng; thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo nguyên tắc 4 đúng; hình thành thói quen ghi chép lại quá trình sản xuất... Kết quả cho thấy, cây hành sinh trưởng, phát triển tốt, cứng cây, củ to, mã đẹp, năng suất đạt 5-6 tạ/sào. Ông Nguyễn Văn Thám ở thôn Thụy Trà có 2 sào tham gia mô hình cho biết: “Với quy trình sản xuất VIETGAP, gia đình tôi chỉ phải sử dụng 20 kg giống, thay vì 25 kg giống như trước, lượng lân sử dụng khoảng 30-40 kg/sào, giảm một nửa so với trước, tăng cường bón phân hữu cơ với lượng 4-5 tạ/sào. Chăm sóc khoa học nên cây sinh trưởng phát triển tốt, sạch sâu bệnh. Tôi chỉ cần phun thuốc BVTV 3 lần/vụ thay vì 5 lần như cách truyền thống”. Năm 2010, năng suất hành của gia đình ông Thám đạt 5-5,7 tạ/sào, sau khi trừ chi phí thu lãi 5 triệu đồng/sào, cao hơn ruộng đối chứng 1 triệu đồng/sào. Năm nay, do thời tiết không thuận lợi, cây hành bị ảnh hưởng nhiều, nhưng dự kiến ruộng trong mô hình vẫn sẽ cho năng suất 5 tạ/sào. Từ thực tế sản xuất vụ trước, vụ đông năm nay có thêm khoảng 20 ha trồng hành được người dân trong xã làm theo phương pháp này.
Xã Thăng Long có 52 hộ tham gia mô hình với 4,75 ha, tập trung ở thôn Tống Long. Các hộ được hướng dẫn cách thức ủ phân hữu cơ, cách lên luống, xuống giống, tưới nước… hợp lý. Bà Mạc Thị Lợi, một hộ dân trồng hành theo VIETGAP phấn khởi cho biết: Trước đây, chúng tôi trồng hành theo kinh nghiệm. Nay thì khác, việc bón phân phải bảo đảm đúng hàm lượng, tận dụng nguồn phân bón từ gia cầm để giúp cây phát triển tốt. Thuốc BVTV được dùng theo hướng dẫn, không sử dụng các loại thuốc trong danh mục cấm. Bình quân cây hành mang lại nguồn thu nhập 4-5 triệu đồng/sào cho người dân Thăng Long, cao gấp 4 lần cấy lúa. Chính quyền cũng như người dân mong muốn tiếp tục được sự hỗ trợ, nhân rộng mô hình ra toàn xã. Ông Dư Văn Châu, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Mô hình tạo cho người dân thói quen sản xuất an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất này còn có tác động tích cực đến môi trường. Một phần là do người dân đã biết sử dụng phân bón, thuốc BVTV đủ hàm lượng, đúng cách. Mặt khác, ý thức vệ sinh đồng ruộng, thu gom chai lọ, bao bì thuốc BVTV để đúng nơi quy định sau khi sử dụng xong dần được hình thành.
Thời gian tới, tỉnh ta cần tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP không chỉ trên cây hành mà còn ở các cây khác để nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.
HỒNG HẠNH