Nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên

01/08/2015 17:51

Công tác GDPL cho học sinh THPT nói chung luôn được các cấp, các ngành, ban giám hiệu các nhà trường quan tâm và đã cơ bản đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.


Để xây dựng được "Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân", điều quan trọng hàng đầu là phải quan tâm làm tốt công tác giáo dục pháp luật (GDPL) cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên (HSSV).

Thực tế cho thấy, việc GDPL nói chung và công tác GDPL cho HSSV tại các trường giữ một vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình  giáo dục và đào tạo. Trên tinh thần đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, các cấp, các ngành phối hợp thực hiện GDPL cho HSSV. Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng đã đưa GDPL vào chương trình học tập chính khóa. Tuy nhiên, việc giáo dục mang lại hiệu quả chưa cao, sự hiểu biết pháp luật của HSSV còn nhiều hạn chế. Tình trạng vi phạm pháp luật ở độ tuổi này còn xảy ra rất nhiều. Ðặc biệt là vi phạm pháp luật ở độ tuổi từ 15-18 tuổi ngày càng gia tăng về số vụ và mức độ. Ở lứa tuổi này, các em đang hình thành nhân cách, hiếu động, tò mò, thích thể hiện nên dễ sa ngã, dễ bị rủ rê, lôi kéo vào các hành vi phạm tội nhưng cũng dễ uốn nắn nếu sớm được định hướng, giáo dục và trang bị kiến thức pháp luật. Vì vậy, công tác GDPL cho học sinh THPT nói chung luôn được các cấp, các ngành, ban giám hiệu các nhà trường quan tâm và đã cơ bản đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Tuy vậy, chương trình, nội dung GDPL chưa có tính hệ thống cao; việc phân bổ thời gian học tập chưa thật phù hợp; một số bộ phận giáo viên chưa nhiệt tình, tâm huyết; chưa đổi mới về phương pháp giảng dạy, nhất là những phương pháp giảng dạy tích cực áp dụng trong các tình huống pháp luật; hình thức GDPL chủ yếu là học tập trên lớp...

Ðể khắc phục được những hạn chế trên, các nhà trường cần thường xuyên tổ chức giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh về vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội thông qua nhiều hình thức linh hoạt. Củng cố, bổ sung, nâng cao nhận thức của học sinh về kiến thức pháp luật, chú trọng phổ biến các văn bản, các nghị định mới của pháp luật về những vấn đề liên quan, có giá trị thực tiễn cao. Xây dựng niềm tin vào pháp luật cho các em để các em thấy được pháp luật luôn được thực thi và rất công bằng. Ngoài ra, các nhà trường phải luôn nghiêm minh, công bằng, thống nhất và đồng bộ trong xử lý các trường hợp vi phạm nội quy. Ðây là tiền đề xây dựng niềm tin vào pháp luật cho các em; xây dựng thói quen điều chỉnh hành vi tuân thủ theo các quy định của pháp luật cho học sinh. Khi các em có kiến thức pháp luật, có niềm tin vào pháp luật thì mới tôn trọng pháp luật và các cơ quan pháp luật, từ đó điều chỉnh hành vi. Ðể làm được điều đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các ban, ngành, đoàn thể liên quan; đồng thời, xây dựng ý thức tự tố giác, ý thức đấu tranh với các hiện tượng vi phạm pháp luật.

Ðể có nguồn nhân lực làm công tác GDPL, nhà trường cần xây dựng kế hoạch tuyển dụng, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực chuyên môn vững vàng, nhiệt tình tâm huyết với nghề nghiệp. Cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật và phương pháp giảng dạy cho đội ngũ này. Ban giám hiệu cần quán triệt về vai trò, vị trí của GDPL cho HSSV đến cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác GDPL. Chỉ khi có nhận thức đúng đắn về vị trí và vai trò công tác GDPL thì cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy mới có ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao; chủ động học tập nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tích cực tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhà trường cần có chính sách nhằm nâng cao đời sống và điều kiện làm việc để động viên, khích lệ đội ngũ giáo viên giảng dạy pháp luật.

Cán bộ quản lý cần thường xuyên tham mưu với lãnh đạo, với Hội đồng Phối hợp phổ biến GDPL xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ giảng dạy môn học này một cách khoa học, thiết thực. Các nhà trường cũng cần xác định việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch GDPL là một trong những công việc quan trọng quyết định hiệu quả quản lý giáo dục. Khi xây dựng kế hoạch, cần phải căn cứ vào các văn bản pháp lý do ngành giáo dục, Hội đồng Phối hợp phổ biến GDPL tỉnh, huyện ban hành; căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường. Ngoài ra, phải căn cứ trên khả năng tiếp thu của học sinh để xây dựng kế hoạch GDPL cho học sinh, thể hiện tính đồng bộ, thống nhất giữa mục tiêu GDPL và mục tiêu giáo dục chung, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả. Theo đó, kế hoạch GDPL cho học sinh thường được lập theo năm học, chú trọng vào những tháng cao điểm: tháng 6 tập trung vào phòng chống ma túy, tháng 9 về an toàn giao thông, tháng 10 tập trung vào nội dung bảo vệ môi trường, tháng 11 tập trung vào Ngày Pháp luật...

Ngoài ra, các nhà trường cũng nên triển khai phổ biến, GDPL ngoại khóa lồng ghép vào các hoạt động giáo dục, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đợt sinh hoạt chính trị, tuần sinh hoạt công dân, nói chuyện chuyên đề, hội thi do nhà trường tổ chức. Sử dụng triệt để, vận dụng có hiệu quả các hình ảnh thực tiễn về chấp hành pháp luật trong cuộc sống diễn ra hằng ngày xung quanh học sinh để phổ biến, GDPL cho HSSV.


NGUYỄN THỊ YẾN (TP Hải Dương)


(0) Bình luận
Nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên