Việc triển khai các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước cùng đối ngoại địa phương, đối ngoại nhân dân tạo nên ba "mũi giáp công" của mặt trận đối ngoại toàn diện.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo hội nghị
Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 do Bộ Ngoại giao tổ chức vào sáng 13.12, các ý kiến tham luận bày tỏ sự nhất trí về việc trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19, công tác đối ngoại địa phương đã được triển khai tích cực, chủ động và thích ứng linh hoạt, bảo đảm phù hợp với định hướng chỉ đạo của Trung ương và nhu cầu thực tế từng địa phương.
Các ý kiến đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân tạo thành ba "mũi giáp công" của mặt trận đối ngoại toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển mỗi địa phương.
Phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh mỗi địa phương
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Huân, Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao), cho biết từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19, công tác đối ngoại địa phương diễn ra trong bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng nặng nề trên toàn thế giới.
Về tình hình trong nước, với thế và lực ngày càng lớn mạnh, công tác đối ngoại được triển khai toàn diện và đồng bộ, tích cực chủ động, thích ứng linh hoạt, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XII và từng bước cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII.
Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại địa phương cũng được triển khai tích cực, chủ động và thích ứng linh hoạt. Các địa phương đã bám sát định hướng công tác được đề ra tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19, phù hợp với yêu cầu thực tế, đạt những kết quả quan trọng trên tất cả các mặt: hợp tác quốc tế cấp địa phương; xúc tiến kinh tế đối ngoại; công tác ngoại giao văn hóa; công tác biên giới lãnh thổ; công tác bảo hộ công dân; công tác thông tin đối ngoại; công tác lãnh sự, bảo hộ công dân…
Cục trưởng Cục Ngoại vụ cho biết trên tinh thần “tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương," quán triệt phương châm “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ," phương hướng công tác ngoại vụ trong thời gian tới tiếp tục tập trung quán triệt và thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đại hội Đảng XIII “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, vì lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia," góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Công tác ngoại vụ tích cực chủ động tham gia vào công cuộc “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ," thích ứng với tình hình mới do đại dịch COVID-19 gây ra.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu dự hội nghị.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong thu hút nguồn lực quốc tế chất lượng cao phục vụ phát triển nhanh và bền vững, thông qua tham mưu, định hướng chiến lược, tư vấn chính sách, kịp thời thông tin về cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ và các lĩnh vực khác với các đối tác quốc tế; tăng cường cảnh báo, phòng ngừa, kiến nghị xử lý các rủi ro, phức tạp có thể nảy sinh, hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đồng hành, hỗ trợ địa phương xây dựng các quan hệ kết nghĩa với các tỉnh, thành phố đối tác trên thế giới, quan hệ đối tác với các tập đoàn đa quốc gia, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư chất lượng cao, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, cải thiện vị trí của Việt Nam trong các chuỗi giá trị, đẩy mạnh hợp tác thực chất về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Bên cạnh đó, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, các địa phương cần nêu bật nhu cầu phát triển để được hỗ trợ, tham vấn về mô hình tăng trưởng như kinh tế xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo...; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác đối ngoại địa phương trên các mặt ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị, công tác biên giới lãnh thổ, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân…; tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu quả bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương; phát huy vai trò của đối ngoại địa phương trong công tác kết nối, hội nhập phục vụ phát triển…
Đối ngoại nhân dân được nhìn rộng, toàn diện, bao trùm hơn
Với vai trò nòng cốt trong hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác phi chính phủ nước ngoài, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn cho biết Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng với 64 tổ chức thành viên ở trung ương và 52 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương đã nỗ lực triển khai toàn diện các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và phi chính phủ nước ngoài; góp phần vận động, đấu tranh dư luận bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế cũng như đóng góp vào phong trào tiến bộ của nhân dân các nước.
Đặc biệt, năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên đã chủ động chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động đối ngoại sang hình thức trực tuyến; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, nghiên cứu và công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại; không ngừng mở rộng mạng lưới bạn bè, đối tác, tham gia ngày càng sâu hơn vào các cơ chế hợp tác đa phương quốc tế và khu vực.
Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, phát huy vai trò, thế mạnh, xứng đáng là một “trụ cột” của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, cùng với đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thay đổi tư duy, cách tiếp cận trong công việc, đặt tất cả các hoạt động đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên vào tổng thể chung của đối ngoại của Việt Nam.
Đối ngoại nhân dân được nhìn rộng, toàn diện, bao trùm hơn cả về chủ thể, đối tác, lĩnh vực, cách tiếp cận, từ đó có thể huy động ngày càng rộng rãi các lực lượng trong xã hội tham gia vào công tác đối ngoại nhân dân.
“Để đạt được những thành tựu chung đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đối ngoại nhân dân cần được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ với đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước," ông Phan Anh Sơn khẳng định.
Ông Phan Thanh Sơn đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực thay đổi tư duy, nội dung và phương thức hoạt động nhằm vận động sự ủng hộ và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia cốt lõi của Việt Nam cũng như đóng góp tích cực vào công cuộc hội nhập quốc tế, phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam xây dựng cơ chế phối hợp toàn diện về chia sẻ thông tin, đào tạo, xây dựng lực lượng, nghiên cứu, trao đổi chính sách; tạo điều kiện để Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp chuẩn bị và tham gia ở mức độ phù hợp các sự kiện đối ngoại lớn, các hoạt động cấp cao.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại nhân dân nói riêng, trong đó có công tác phi chính phủ nước ngoài.
Trong công tác lập kế hoạch chung của địa phương, lồng ghép các nội dung đến đối ngoại và đối ngoại nhân dân, giao cho Sở Ngoại vụ hoặc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị làm đầu mối, phối hợp với các ban, sở, ngành trong thực hiện kế hoạch đối ngoại của địa phương.
Đồng hành cùng các địa phương trong công tác đối ngoại
Nhận định trong những năm qua công tác ngoại vụ địa phương đã có những bước phát triển nhanh chóng, thay đổi cả về chất và lượng, tham mưu đắc lực cho lãnh đạo địa phương trong việc triển khai công tác đối ngoại tại địa bàn, Chánh Văn phòng Ban Đối ngoại Trung ương Bùi Lê Thái cho rằng các mặt công tác đối ngoại của các địa phương đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, chú trọng hơn đến tính hiệu quả, thực chất, bảo đảm phù hợp với định hướng chỉ đạo của Trung ương và nhu cầu thực tế của từng địa phương.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác ngoại vụ vẫn còn một số tồn tại như: việc quán triệt, phổ biến và cụ thể hóa các văn bản, quy định của Đảng và Nhà nước về đối ngoại vẫn chưa kịp thời; việc triển khai hoạt động đối ngoại theo các quy định chưa đồng bộ, thống nhất, còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm; hoạt động đối ngoại đảng chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu mới chỉ được triển khai ở các địa phương biên giới; hoạt động đối ngoại nhân dân chưa có nhiều đổi mới…
Các điểm cầu dự hội nghị trực tuyến.
Chánh Văn phòng Ban Đối ngoại Trung ương đề nghị các địa phương khẩn trương cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng, nghị quyết của đảng bộ địa phương và mục tiêu của đối ngoại địa phương thành các chính sách, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, tăng cường quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả với từng đối tác, trong từng lĩnh vực, với trọng tâm là lĩnh vực kinh tế, bảo đảm cho các địa phương nói riêng và đất nước nói chung phát triển nhanh và bền vững; đồng thời, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước theo tư duy chiến lước về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa."
Để đẩy mạnh công tác ngoại vụ trong thời gian tới, Chánh Văn phòng Ban Đối ngoại Trung ương đề nghị tiếp tục quán triệt sâu rộng và triển khai hoạt động đối ngoại theo tinh thần các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chú trọng triển khai các hoạt động đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân, để cùng với ngoại giao chính quyền tạo thành ba mũi giáp công của mặt trận đối ngoại toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của địa phương.
Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, Ban Đối ngoại Trung ương đề nghị các địa phương xây dựng lộ trình, xác định mục tiêu và có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình; chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký với các đối tác…
"Để đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước được thực hiện hiệu quả, nhất quán từ Trung ương đến địa phương, các bộ, ban, ngành Trung ương sẽ chủ động phối hợp, đồng hành, gắn kết chặt chẽ với các địa phương. Với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực đối ngoại; tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Đảng; giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân và quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trong hệ thống đảng, đoàn thể, tổ chức nhân dân, Ban Đối ngoại Trung ương sẽ tiếp tục nghiên cứu để xây dựng cơ chế phối hợp thường xuyên, hiệu quả hơn và thông tin hai chiều thông suốt với các địa phương," Chánh Văn phòng Ban Đối ngoại Trung ương khẳng định.
Theo ông Bùi Lê Thái, Ban Đối ngoại Trung ương sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương trong công tác đối ngoại đảng và đối ngoại nhân dân, trong triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng trong lĩnh vực đối ngoại; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong các vấn đề cụ thể, đặc biệt là việc thực hiện quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, hướng dẫn, chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân, công tác lễ tân đối ngoại đảng ở địa phương…
Theo TTXVN