Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm hơn nữa về công tác hòa giải ở cơ sở, coi đó là một bộ phận quan trọng của công tác dân vận.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương
Sáng 13.7, Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban Cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao và Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hoà Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tư pháp chủ trì hội nghị.
Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở dự hội nghị.
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh cùng đại diện lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Thường trực, Trưởng Ban Dân vận các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định vai trò, tầm quan trọng của hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đây là phương thức giải quyết mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp ở cộng đồng dân cư, hình thành từ rất sớm như một truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam. Việc hòa giải thành sẽ hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, giúp duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng; đồng thời là chỗ dựa cho việc tổ chức một xã hội đoàn kết, hòa hợp, đồng thuận, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề cho ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người là gốc của nước, nếu mọi người đều làm tốt đời sống mới thì dân tộc nhất định sẽ phú cường”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh hòa giải là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan hành chính và tư pháp. Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hòa giải...
Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm hơn nữa về công tác hòa giải ở cơ sở, coi đó là một bộ phận quan trọng của công tác dân vận. Tiếp tục thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần thực hiện tốt công tác dân vận và ngược lại. Cần xác định hòa giải ở cơ sở là hình thức phổ biến pháp luật trực tiếp, thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác hòa giải ở cơ sở. Đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm, uy tín và hiểu biết pháp luật trong giải quyết tranh chấp. Tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022…
Theo báo cáo, đến cuối năm 2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải tại thôn, tổ dân phố với hơn 600.000 hòa giải viên. Giai đoạn 2014-2019, các tổ hòa giải cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ, việc; hòa giải thành công 707.945 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,9%). Số lượng lớn các vụ việc được hòa giải thành công đã tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp, giảm gánh nặng chi tiêu cho ngân sách. Những mâu thuẫn chủ yếu được hòa giải ở cơ sở chủ yếu trên lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai và các mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt tại cộng đồng dân cư.
PV