Là cây trồng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu nên những năm qua, người trồng cà rốt trong tỉnh luôn chú trọng tới sản xuất sạch, tăng cường liên kết để nâng cao vị thế cho cây trồng này.
Sơ chế cà rốt xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương
Quan tâm tới chất lượng
2 năm trồng cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP, chị Đặng Thị Duyên ở thôn An Phú, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) nhận ra nhiều lợi ích từ phương pháp sản xuất này. Mọi quy trình chăm sóc đều phải thực hiện bài bản, ghi chép cẩn thận nhưng đổi lại chất lượng cà rốt tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn nên được ưu tiên thu mua, giá bán cũng cao hơn so với cà rốt trồng đại trà. "Vì sản xuất sạch nên cà rốt nhà tôi được nhiều người biết đến. Các công ty cũng muốn thu mua để xuất khẩu sang các nước lớn. Do đó, tôi không còn phải phụ thuộc nhiều vào tiểu thương như trước", chị Duyên cho biết.
Xác định chất lượng là thước đo của thương hiệu sản phẩm, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng nên từ năm 2015, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính đã áp dụng quy chuẩn VietGAP vào sản xuất. Đến nay, 360 ha cà rốt của xã được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn này. Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX cho biết: "Ngày trước, nông dân chỉ trồng và chăm sóc cà rốt theo kinh nghiệm, thói quen nên chất lượng cà rốt bị bỏ ngỏ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho giá bán sản phẩm bị lệ thuộc. Từ khi sản xuất cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân có nhiều lựa chọn hơn trong tiêu thụ. Những diện tích trồng đạt chuẩn VietGAP được doanh nghiệp đặt mua đầu tiên. Vì vậy, người dân rất phấn khởi, tuân thủ đúng quy trình sản xuất".
Trong khi nhiều nông sản khác chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa thì cà rốt có lợi thế xuất khẩu. Cà rốt Hải Dương đã có mặt ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... Mặc dù vậy, số lượng cà rốt đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu không nhiều, dẫn đến tình trạng sản lượng lớn, thị trường rộng song khó tiêu thụ. Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Muốn tiêu thụ thuận lợi thì trước hết chất lượng sản phẩm phải bảo đảm để tăng khả năng cạnh tranh. Do vậy, thời gian qua, sở đã tăng cường phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân các kỹ thuật canh tác an toàn, hiệu quả".
Xuất phát từ yêu cầu của thị trường, vài năm gần đây nông dân đã dần thay đổi thói quen canh tác, quan tâm tới chất lượng chứ không chỉ chú trọng tới số lượng như trước. Toàn bộ diện tích trồng cà rốt của tỉnh được quy vùng tập trung, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Trên cơ sở đó hình thành các vùng nguyên liệu cà rốt xuất khẩu. Tùy thuộc vào yêu cầu của từng thị trường mà người dân điều chỉnh kỹ thuật sản xuất ở từng vùng phù hợp, bảo đảm các tiêu chí về kích thước, mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Nông Sản Hưng Việt (Gia Lộc) cho biết: "Thị trường tiêu thụ cà rốt rất rộng song đòi hỏi cũng rất cao, mỗi nước lại có quy định riêng về sản phẩm nhưng nếu sản xuất theo yêu cầu thì không lo về đầu ra cho cây cà rốt".
Liên kết sản xuất và tiêu thụ
Mỗi năm toàn tỉnh gieo trồng khoảng 1.500 ha cà rốt, sản lượng ước đạt 53.000 tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách (650 ha) và thị xã Chí Linh (180 ha). Mặc dù khẳng định được thương hiệu từ lâu nhưng việc tiêu thụ cà rốt vẫn còn bị động nên giá bán biến động. Vì vậy, muốn có đầu ra ổn định cho nông sản chủ lực này cần tăng cường liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ, giảm bớt rủi ro về thị trường.
Theo ông Nguyễn Đức Mệnh, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương (Cẩm Giàng), những đơn hàng xuất khẩu đều có kế hoạch từ trước nên công ty sẽ căn cứ những điều kiện trong hợp đồng để liên kết sản xuất. Công ty đang ký kết thu mua cà rốt cho các hộ dân ở các xã Cẩm Văn, Đức Chính (Cẩm Giàng). Việc liên kết mang lại nhiều lợi ích. Công ty có nguồn hàng ổn định phục vụ xuất khẩu còn người dân sẽ bớt nỗi lo về đầu ra. "Mỗi vụ, chúng tôi thu mua khoảng 10.000 tấn cà rốt. Trong đó, 5.000 tấn sẽ xuất khẩu, còn lại để chế biến và tiêu thụ trong nước. Lượng thu mua của công ty đã bằng 1/5 sản lượng của cả tỉnh. Do đó, nếu làm tốt khâu liên kết, tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ sẽ giải được bài toán đầu ra cho cà rốt", ông Mệnh thông tin.
Liên kết với nông dân sản xuất cà rốt xuất khẩu nhiều năm, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng nông sản xuất khẩu Kiên Giang (Cẩm Giàng) khẳng định chỉ có xây dựng chuỗi liên kết mới giúp nông sản nói chung và cà rốt nói riêng tiêu thụ thuận lợi. Với xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay, cả nông dân và doanh nghiệp phải tạo mối liên kết mới có thể trụ vững. Nông dân cần doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường còn doanh nghiệp dựa vào người dân để chủ động về số lượng và chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Là địa phương có diện tích trồng cà rốt lớn nhất tỉnh nên huyện Nam Sách luôn quan tâm tới việc xây dựng các chuỗi liên kết để giảm bớt áp lực trong tiêu thụ. Theo ông Võ Hồng Nam, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trước mỗi vụ sản xuất, huyện đều tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở thu mua tới tìm hiểu, ký kết hợp đồng với nông dân. Mặc dù vậy, việc liên kết vẫn chưa thật sự bền chặt. Do đó, để việc tiêu thụ cà rốt thuận lợi, ổn định, các bên phải tôn trọng điều khoản ký kết, không vì lợi ích trước mắt mà phá bỏ liên kết.
Hiện toàn tỉnh có 16 doanh nghiệp và 50 cơ sở tư nhân thu mua cà rốt. Một số đơn vị đã liên kết với người dân để sản xuất và thu mua cà rốt theo yêu cầu. Tuy các mối liên kết vẫn còn lỏng lẻo, thiếu tính pháp lý song đây chính là cơ sở để hình thành các chuỗi liên kết bài bản về sau. Từ đó, vị thế và khả năng cạnh tranh của cà rốt Hải Dương sẽ được nâng cao.
NGUYỄN MƠ