Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử của kiểm sát viên

23/07/2022 14:30

Thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân (KSND) hai cấp của tỉnh thực hiện hiệu quả phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm, góp phần chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm.


6 tháng đầu năm 2022, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh là đơn vị dẫn đầu cụm thi đua số 5 của ngành kiểm sát

Triển khai nghiêm túc

Thực hiện lời Bác dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", trải qua 62 năm xây dựng và trưởng thành (26.7.1960-26.7.2022), nhất là thời gian gần đây, ngành kiểm sát tỉnh luôn quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên. Ngành thực hiện nhiều giải pháp và đem lại hiệu quả cao trong công tác này, nhất là qua việc tổ chức phiên toà hình sự rút kinh nghiệm để nâng chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên toà.

Viện KSND tỉnh kịp thời quán triệt triển khai và xây dựng kế hoạch để thực hiện Chỉ thị số 09/CT-VKSTC ngày 6.4.2016 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa. Ngay từ đầu mỗi năm, căn cứ các chỉ đạo của cấp trên, Viện KSND tỉnh có hướng dẫn công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị hai cấp triển khai thực hiện. Đồng thời ấn định số lượng, tiêu chí, diện phải thực hiện, thủ tục, trình tự tổ chức, nâng cao chất lượng phiên toà rút kinh nghiệm theo hướng thực chất, hiệu quả, không số lượng hình thức. Trong đó, trưởng phòng, phó trưởng phòng, kiểm sát viên trung cấp các phòng 1, phòng 2, phòng 7 của Viện KSND tỉnh; lãnh đạo Viện KSND cấp huyện, kiểm sát viên sơ cấp thuộc bộ phận thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, thực hiện ít nhất 2 phiên tòa rút kinh nghiệm mỗi năm. 

Các phiên tòa rút kinh nghiệm khi tổ chức cần bảo đảm một số tiêu chí như vụ án có tính chất phức tạp về chứng cứ, có nhiều bị cáo, bị cáo phạm nhiều tội, có bị cáo không nhận tội. Công tác tổ chức các phiên tòa được thực hiện bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị đến khi xét xử và kết thúc phiên tòa để tiến hành rút kinh nghiệm. Đặc biệt, công tác chuẩn bị chú trọng vào việc xây dựng kế hoạch, đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội, tranh luận đối đáp, nội dung phối hợp với hội đồng xét xử, thẩm phán chủ tọa phiên toà.

Nhiều chuyển biến

Từ khi triển khai các phiên tòa rút kinh nghiệm, lãnh đạo Viện KSND hai cấp của tỉnh có chuyển biến rõ nét về nhận thức, chủ động tổ chức thực hiện. Lãnh đạo, kiểm sát viên hai cấp nhận thức đúng mục đích yêu cầu tổ chức phiên toà hình sự rút kinh nghiệm là một giải pháp quan trọng để chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự trong vụ án hình sự. Đồng thời là biện pháp đào tạo tại chỗ hiệu quả nâng chất lượng kiểm sát viên theo yêu cầu cải cách tư pháp. Lãnh đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, kịp thời chỉ đạo, khắc phục ngay hạn chế, thiếu sót khi tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm, phê duyệt, cho ý kiến cụ thể, sát thực đối với hoạt động của từng kiểm sát viên.

Tại phiên toà rút kinh nghiệm, kiểm sát viên thực hiện việc xét hỏi đối với bị cáo, người tham gia tố tụng, đặt câu hỏi ngắn, tập trung, phù hợp với từng đương sự. Nội dung câu hỏi bao gồm gỡ tội, buộc tội. Cùng với đó, lắng nghe, ghi chép đầy đủ, chủ động thực hiện việc công khai tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh (trình chiếu kết hợp thuyết minh). Tại phần luận tội, kiểm sát viên thực hiện toàn diện, khách quan toàn bộ nội dung cần làm rõ trong vụ án như tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo, vai trò trong vụ án đồng phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng... Kiểm sát viên đối đáp đến cùng tất cả các nội dung mà bên bào chữa đưa ra, theo những căn cứ tài liệu điều tra hợp pháp trong hồ sơ vụ án và kiểm tra tại phiên toà, lập luận phân tích đánh giá chứng cứ trên cơ sở pháp luật quy định. Đồng thời có thái độ bình tĩnh, tôn trọng văn hoá pháp đình nhưng kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng.

Ngay sau khi kết thúc phiên toà rút kinh nghiệm, đơn vị kiểm sát họp đánh giá rút kinh nghiệm việc tổ chức, hoạt động kiểm sát trước, trong, sau phiên toà, chấm điểm kiểm sát viên. Qua đó, nội dung làm tốt được tiếp tục phát huy, hạn chế thiếu sót, nhất là việc đối đáp, tranh luận của kiểm sát viên được phát hiện, xác định nguyên nhân, bàn giải pháp khắc phục. Kiểm sát viên trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử nhận thấy nội dung hạn chế cần khắc phục. Các kiểm sát viên khác tham dự coi đây là bài học kinh nghiệm cho bản thân.

Từ cách làm trên, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng của kiểm sát viên hai cấp của tỉnh ngày một nâng cao, góp phần quan trọng trong việc chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, chất lượng các phiên xét xử ngày càng cao. 6 tháng đầu năm 2022, Viện kiểm sát hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 104 vụ án hình sự bảo đảm đúng quy định của pháp luật; không có trường hợp nào tòa án tuyên bị can không phạm tội. Qua đó khẳng định, thể hiện cao vai trò, hình ảnh của cơ quan Viện KSND và kiểm sát viên hai cấp.

Từ khi thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm đến nay, cùng với các biện pháp công tác khác, ngành kiểm sát Hải Dương luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Viện KSND tối cao và cấp ủy giao, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Năm 2021, viện được Chính phủ tặng cờ thi đua do có thành tích xuất sắc. 

PHẠM VĂN QUANG
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử của kiểm sát viên