Thời gian gần đây, công tác quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp (SXNN) đã được các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện.
Ngoài quy hoạch phát triển SXNN nói chung, Hải Dương đã và đang lập quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh rau màu ở cấp huyện, quy hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, quy hoạch nuôi cá lồng, quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung… Các bản quy hoạch được phê duyệt sẽ là cơ sở quan trọng để tổ chức sản xuất hiệu quả, khắc phục tính tự phát trong sản xuất của nông dân, giảm thiểu nguy cơ “được mùa, mất giá” tồn tại dai dẳng từ lâu.
Muốn tổ chức sản xuất tốt theo quy hoạch thì trước tiên bản quy hoạch đó phải bảo đảm cơ sở khoa học và có tính khả thi cao. Những bản quy hoạch chất lượng thấp vừa tốn kém công sức, tiền của vừa cản trở sản xuất phát triển.
Để các bản quy hoạch SXNN có chất lượng cao, trước hết nó phải bảo đảm tính toàn diện. Nếu cơ quan, đơn vị lập quy hoạch không thực hiện chu đáo, các bản quy hoạch sẽ dễ bị phiến diện, thiếu tính đồng bộ. Ở Hải Dương, nhiều huyện có thế mạnh về sản xuất rau màu tập trung như Gia Lộc, Kim Thành, Kinh Môn, Nam Sách, Cẩm Giàng… Nếu cơ quan lập quy hoạch sản xuất rau màu tập trung ở một huyện nào đó chỉ biết lập quy hoạch cho huyện đó mà không nghiên cứu, đối chiếu với các huyện khác thì chẳng khác nào chỉ thấy “cây” mà không thấy “rừng”.
Hiện nay, nhiều địa phương trồng na nhưng vùng chuyên canh tập trung ở thị xã Chí Linh, nhất là xã Hoàng Tiến. Giả sử nếu có cơ quan lập quy hoạch vùng sản xuất na ở Chí Linh nhưng không tham khảo xem thực trạng trồng, tiêu thụ na trong tỉnh như thế nào, không nghiên cứu, so sánh với vùng chuyên canh na lớn ở thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), huyện Chi Lăng (Lạng Sơn)… ra sao thì sẽ không có được cái nhìn tổng quát, liên hệ giữa các địa phương có cùng loại nông sản.
Cần tránh tình trạng quy hoạch theo phong trào, “mạnh ai nấy làm”, thấy nơi này quy hoạch sản phẩm này thì mình cũng làm theo, thấy địa phương kia tăng diện tích thì mình cũng tăng… Nếu lập quy hoạch không thấy được sự liên hệ, tương quan so sánh giữa các địa phương với nhau sẽ rất nguy hiểm. Nhiều địa phương cùng quy hoạch trồng một số nông sản với diện tích lớn có thể dẫn tới cung vượt cầu, tình trạng “được mùa, mất giá” tái diễn nhiều lần, gây thiệt hại nặng cho nông dân.
Về giải pháp khắc phục, đầu tiên cần quán triệt nguyên tắc toàn diện trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Cơ quan lập quy hoạch cần tổ chức tốt việc lấy ý kiến của các đơn vị, địa phương liên quan tới quy hoạch.
Một hạn chế trong công tác lập quy hoạch SXNN là chưa chú trọng đầu tư cho việc nắm bắt, dự báo diễn biến của thị trường tiêu thụ nông sản để làm căn cứ lập quy hoạch. Nguyên nhân do thị trường luôn biến động nên khó nắm bắt, dự báo. Muốn dự báo được phải có tổ chức chuyên nghiệp đảm nhiệm việc này, tốn kém kinh phí đầu tư. Công tác dự báo thị trường còn nhiều khó khăn, hạn chế nên quy hoạch nhanh bị lạc hậu, không sát thực tiễn.
Thị trường vận hành theo quy luật cung - cầu. Nhu cầu là yếu tố quan trọng để xác định nguồn cung, tính toán khâu quy hoạch và sản xuất cho hợp lý. Do đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu, dự báo thị trường tiêu thụ nông sản cần được cơ quan lập quy hoạch SXNN chú trọng. Việc đầu tư kinh phí xứng đáng cho nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng quy hoạch là cần thiết. Để có một bản quy hoạch chất lượng tốt, dù phải tốn thêm kinh phí cũng là sự lựa chọn đúng đắn, hơn hẳn bản quy hoạch chất lượng kém theo kiểu làm lấy lệ.
TUẤN NGUYÊN