Không còn là thị trường “dễ tính” như trước, hai năm trở lại đây, Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, nhất là hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Trung Quốc quản lý chặt chẽ hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam đã ảnh hưởng lớn tới việc xuất khẩu các mặt hàng này của Hải Dương sang thị trường trên. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Hoa Mai ở xã Nam Trung (Nam Sách) sơ chế củ cải để xuất khẩu
Để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nước này, Hải Dương đã triển khai nhiều giải pháp hướng đến xuất khẩu bền vững theo đường chính ngạch vào Trung Quốc.
Thêm nhiều tiêu chuẩn
Đại diện Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết thời gian qua, Trung Quốc liên tục thiết lập và áp dụng các hàng rào kỹ thuật nhằm kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Đó là yêu cầu kiểm nghiệm, chứng thư kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ đối với các mặt hàng nông sản, trái cây, hàng thủy sản của Việt Nam. Năm 2018, chính quyền thị xã Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã ban hành nhiều quy định mới về thông tin sản phẩm trên tem nhãn, quy cách đóng gói hàng hóa, kiểm dịch chất lượng sản phẩm.
Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2019, Trung Quốc áp dụng quản lý truy xuất nguồn gốc và một số quy định khác đối với trái cây nhập khẩu vào nước này. Hải quan Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam các loại trái cây có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc từ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam cấp mã số và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận. Tùy thuộc vào mỗi loại trái cây, Trung Quốc có các quy định riêng. Chẳng hạn, dưa hấu phải dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên từng quả hoặc đóng dưa bằng bao bì, thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc. Từ ngày 1.5.2019, dưa hấu xuất sang Trung Quốc không được lót rơm mà phải dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc quả. Chuối xuất khẩu phải có bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc...
Trung Quốc siết chặt quản lý với hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam đã ảnh hưởng lớn tới việc xuất khẩu nông sản của Hải Dương sang nước này. Theo số liệu thống kê của Chi cục Hải quan Hải Dương, trong năm2018, tỉnh xuất sang Trung Quốc 384 lô hàng với tổng giá trị xuất khẩu trên 512,5 tỷ đồng. Sau khi Trung Quốc siết chặt chất lượng hàng nông sản nhập khẩu, xuất khẩu chính ngạch đã trở nên khó khăn hơn. Trong 6 tháng đầu năm nay, Hải Dương mới có 2 lô hàng xuất sang Trung Quốc với tổng trị giá 2,8 tỷ đồng.
Xu hướng tất yếu
Từ ngày 1.5.2019, dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc không được lót rơm mà phải dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc
Nhiều DN và cơ quan quản lý nhà nước cho rằng so với nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới, thị trường Trung Quốc được cho là dễ tính hơn. Hiện nay, Trung Quốc siết chặt nhập khẩu là xu hướng tất yếu nhằm đẩy mạnh nhập khẩu theo đường chính ngạch, hạn chế đường tiểu ngạch. Đối với nhiều DN, xuất khẩu theo đường tiểu ngạch luôn được lựa chọn hàng đầu vì thuế suất thấp, thủ tục dễ dàng nhưng thường bấp bênh và không bảo đảm an toàn.
Công ty CP Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc) đã có nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu hàng nông sản đi các nước trên thế giới. Hơn chục năm trước, DN này đã xuất nhiều mặt hàng nông sản sang Trung Quốc. Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Nông sản Hưng Việt cho biết: Hiện Trung Quốc quản lý chặt chẽ các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với người sản xuất và DN. Bởi lẽ, người sản xuất và DN muốn phát triển bền vững buộc phải hướng tới xuất, nhập khẩu chính ngạch. Để hàng nông sản xuất khẩu được, người dân và DN phải tự nâng cao ý thức sản xuất, kinh doanh, chất lượng các mặt hàng nông sản.
Trước yêu cầu của cơ quan chức năng Trung Quốc, từ năm 2018 đến nay, Sở Công thương đã giới thiệu cho nhiều DN trong tỉnh tham gia các hội chợ được tổ chức tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Thông qua đó, các DN của Hải Dương và Trung Quốc có cơ hội giao lưu, tìm hiểu thị trường.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã hướng dẫn, yêu cầu các địa phương lập danh sách các vùng sản xuất, các hộ đóng gói sản phẩm đề nghị cấp mã số. Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Năm 2018, toàn tỉnh mới có 13 vùng sản xuất và 2 cơ sở đóng gói được cấp mã số. Đến nay, Hải Dương đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 80 mã số vùng trồng dưa hấu, chuối, vải, nhãn và 116 cơ sở đóng gói trái cây xuất sang Trung Quốc. Các mã số này đã được Trung Quốc chấp thuận".
Để hàng nông sản đáp ứng được yêu cầu của các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng, người dân cần nâng cao ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật. Thu hái, đóng gói, dán tem nhãn, vận chuyển theo hướng dẫn và yêu cầu của DN xuất khẩu. DN cần chủ động liên hệ, thu mua trái cây ở các vùng trồng đã được cấp mã số để bảo đảm chất lượng và thông tin truy xuất nguồn gốc. Các cơ quan liên quan cần cung cấp thông tin vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số đến nông dân, DN thu mua. Giám sát chặt chẽ vùng trồng đã được cấp mã số, có chế tài xử phạt khi DN sử dụng không đúng mã số được cấp.
LAN NGUYỄN