Ngày 1-3-2016, gần 1.900 dịch vụ y tế đồng loạt tăng giá theo Thông tư liên tịch số 37 của liên Bộ Y tế, Tài chính.
Cùng với việc này, ngành y tế phấn đấu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh, trong đó chú trọng đến thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế.
Không phải đến bây giờ thái độ phục vụ người bệnh mới được chú trọng mà điều này đã được ngành y tế quan tâm chỉ đạo thực hiện trong suốt quá trình hình thành và phát triển của ngành. Ngay khi bước chân ra khỏi cổng trường y, các thầy thuốc đã phải đọc Lời thề Hippocrates: "Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi. Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết. Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa..." Hồ Chủ tịch cũng từng căn dặn cán bộ, y, bác sĩ: "Lương y phải như từ mẫu". Lời dặn dò ấy được ngành y tế treo ở những nơi trang trọng nhất như một lời nhắc nhở hằng ngày về thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên đối với người bệnh. Cách đây tròn 20 năm, Bộ trưởng Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 2088/BYT-QĐ về 12 tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế và vẫn được áp dụng hiện nay: Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình; phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu để cùng hợp tác điều trị...
Thực hiện các quy định trên, những năm qua, thái độ phục vụ của nhiều cán bộ, nhân viên ngành y tế Hải Dương đã được cải thiện rõ rệt. Nhiều y, bác sĩ, nhân viên phục vụ người bệnh tận tình, chu đáo, tạo được niềm tin, sự an tâm đối với người bệnh. Có y, bác sĩ, nhân viên kịp thời hiến máu cứu người; không quản ngại những ca bệnh khó, nguy cơ lây nhiễm cao, làm mọi biện pháp để cứu sống bệnh nhân. Nhiều người sẵn sàng quyên góp tiền, vật chất ủng hộ bệnh nhân nghèo. Hằng năm, nhiều người nghèo, người thuộc diện chính sách được cán bộ y tế phối hợp khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Sau quá trình điều trị, nhiều người đã viết thư khen ngợi kíp trực hoặc cá nhân bác sĩ, nhân viên y tế vì đã tận tâm giúp đỡ họ trải qua được giai đoạn khó khăn...
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, nhân viên ngành y thờ ơ, tắc trách với bệnh nhân. Cuối tháng 3 vừa qua, do sử dụng điện thoại để người dân phải đứng chờ nên điều dưỡng Đồng Văn Công ở Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành đã bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, điều chuyển công tác về Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và cắt thi đua tháng 3. Gần đây, báo chí cả nước cũng đưa tin nhiều vụ bác sĩ, nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân xô xát, thậm chí có vụ bác sĩ bị tấn công gây thương tích mà nguyên nhân xuất phát từ thái độ không đúng mực khi giao tiếp với người dân. Một số bệnh nhân và người nhà của họ (nhất là bà con ở nông thôn) do ít va chạm, không hiểu biết về chuyên môn nên thường hỏi những câu không cần thiết. Trong khi đó, bác sĩ, nhân viên y tế đang bận bịu nên nếu không kiềm chế được sẽ rất dễ nổi nóng hoặc nói những lời khó nghe.
Tôi có nhiều bạn bè làm trong các cơ sở y tế. Về thái độ phục vụ chưa tốt, xô xát, to tiếng giữa người trong ngành với người bệnh, hầu hết mọi người đều cho rằng lỗi ở cả hai bên, nhưng họ thừa nhận phần nhiều là ở cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế. Họ dẫn chứng, khi tiếp nhận một ca cấp cứu, người nhà thấy bệnh nhân tưởng như nguy kịch nên xúm vào hỏi bác sĩ liên tục. Khi ấy, thay vì nhẹ nhàng giải thích, y, bác sĩ lại buông một câu: "Cứ để nằm đấy, không chết được!", thì việc to tiếng là khó tránh khỏi. Ở những tình huống này, bác sĩ đã quá quen với tình trạng bệnh nên không có gì vội vàng, còn người thân của bệnh nhân do không biết nên rất lo lắng. Nếu bác sĩ có vài lời giải thích thì sự căng thẳng đã không xảy ra.
Hiện nay, nhiều bệnh viện trong tỉnh niêm yết số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân về thái độ phục vụ của y, bác sĩ. Theo thống kê của một số cơ sở y tế thì số cuộc gọi đến đường dây nóng năm sau luôn cao hơn năm trước, cho thấy người dân đã quan tâm hơn đến quyền lợi của mình. Việc nhiều cán bộ đã bị xử lý, chuyển công tác cũng cho thấy ngành y ngày càng chú trọng, kiên quyết hơn trong việc xử lý người có thái độ không đúng mực, để xảy ra tiêu cực.
Theo tôi, người dân cần thấu hiểu và sẻ chia những khó khăn, sức ép của y, bác sĩ, phối hợp tốt hơn để họ hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế cũng cần đặt mình vào hoàn cảnh của người đến bệnh viện để có thái độ đúng mực, chan hòa khi giao tiếp, thăm khám cho người bệnh và người nhà của họ.
CẨM GIANG(TP Hải Dương)