Là người đại diện cho tiếng nói của nhân dân trong giải quyết vụ án, vụ việc của tòa án, đội ngũ hội thẩm nhân dân của tỉnh Hải Dương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ công lý.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, các hội thẩm nhân dân tỉnh Hải Dương đã tham gia xét xử 2.741 vụ án trên tổng số 2.805 vụ án đã thụ lý. Các vụ án đều bảo đảm có ít nhất 2 vị hội thẩm tham gia xét xử. Các vụ án hình sự sơ thẩm đặc biệt nghiêm trọng đều có 3 vị hội thẩm nhân dân tham gia. Điều này đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu thi đua hằng năm của ngành toà án.
Không thể phủ nhận vai trò, kết quả tích cực của các hội thẩm nhân dân trong thời gian qua. Tuy nhiên, hoạt động của hội thẩm nhân dân còn một số hạn chế. Thực tế tại nhiều phiên tòa, nhất là ở cấp huyện, vị hội thẩm nào thường xuyên tham gia xét xử thì hỏi đúng, trúng vấn đề. Còn một số hội thẩm ít tham gia xét xử thì thụ động hơn. Thậm chí, cả buổi xét xử, có vị không phát biểu câu nào, hoặc nếu có thì cũng chỉ hỏi rất chung chung. Một số phiên tòa chỉ có một mình thẩm phán chủ tọa xét hỏi, đối chứng lời khai, luận tội.
Những hạn chế nêu trên vô hình trung đã tạo việc lệ thuộc vào phán quyết của thẩm phán, đồng thời vai trò của hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử mờ nhạt.
Hiện nay, theo Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg ngày 5/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên toà, phiên họp giải quyết việc dân sự, kinh phí hỗ trợ cho mỗi hội thẩm nhân dân khi tham gia một phiên xét xử là 90.000 đồng/ngày. Mức hỗ trợ này duy trì nhiều năm, chưa có sự thay đổi. Theo ông Phạm Công Định, Trưởng Đoàn Hội thẩm nhân dân tỉnh, nhìn chung mức hỗ trợ này hiện khá thấp vì có nhiều phiên xét xử kéo dài cả ngày. HĐND tỉnh Hải Dương đã rất quan tâm với Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐND hỗ trợ xét xử phiên tòa của Hội thẩm nhân dân tỉnh, huyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026 với mức hỗ trợ 180.000 đồng/người/vụ án.
Những năm qua, Tòa án Nhân dân tỉnh luôn tổ chức mỗi năm ít nhất 2 đợt bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử cho hội thẩm nhân dân hai cấp trong tỉnh. Công tác bồi dưỡng ngày càng đi vào chiều sâu, chú trọng kỹ năng, phương pháp nghiên cứu hồ sơ, xem xét đánh giá chứng cứ. Đồng thời, tăng cường trao đổi giữa báo cáo viên, học viên, thảo luận và giải đáp thắc mắc phát sinh trong thực tế, đề xuất nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Tòa án Nhân dân và hội thẩm nhân dân.
Để nâng cao chất lượng hoạt động thì việc chuẩn bị nhân sự hội thẩm theo quy định cũng cần được chú trọng. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp Toà án Nhân dân tỉnh chuẩn bị nhân sự hội thẩm và chú ý đến các tiêu chuẩn người tham gia. Đặc biệt, hội thẩm phải bảo đảm đại diện cho nhân dân và kết thúc nhiệm kỳ hoạt động cần có chế độ khen thưởng, động viên những người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hiện nay, chỉ có Toà án Nhân dân tỉnh thực hiện việc khen thưởng.
Để Hội thẩm nhân dân dành đủ thời gian, tâm huyết cho công tác xét xử, các cơ quan, đoàn thể có các hội thẩm nhân dân đang công tác cần tạo điều kiện thời gian, công việc để họ làm tròn nhiệm vụ mà HĐND tỉnh giao. Mặt khác, yếu tố quan trọng chính là bản thân mỗi hội thẩm nhân dân cần nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm để khắc phục khó khăn, tích cực tham gia xét xử, chủ động nghiên cứu tìm hiểu pháp luật, nâng cao trình độ, kỹ năng xét xử các vụ án, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho nhân dân.
Hải Dương hiện có 253 Hội thẩm nhân dân được HĐND cùng cấp bầu ra với thành phần tương đối đa dạng, là cán bộ tài chính, y tế, giáo viên, tư pháp, cán bộ Đoàn, cựu chiến binh, người có uy tín trong cộng đồng dân cư… Hội thẩm nhân dân có địa vị pháp lý và vai trò rất quan trọng trong công tác xét xử. Hầu hết đội ngũ hội thẩm nhân dân đều có trình độ cử nhân luật hoặc đã tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật.