Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (Công ty Điện lực Hải Dương) đã tập trung đầu tư nâng cấp các trạm biến áp, hệ thống lưới điện.
Công nhân Công ty Điện lực Hải Dương thực hiện thí nghiệm định kỳ tại trạm biến áp 110 kV Phúc Điền
Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ cho sản xuất công nghiệp, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (Công ty Điện lực Hải Dương) đã tập trung đầu tư nâng cấp các trạm biến áp, hệ thống lưới điện. Do đó, chất lượng điện phục vụ sản xuất công nghiệp đã và đang từng bước được nâng lên.
Chất lượng điện được cải thiệnThời điểm cuối năm 2015 và đầu năm 2016, không ít doanh nghiệp ở các khu công nghiệp (KCN) ven quốc lộ 5 từ TP Hải Dương đến huyện Bình Giang than phiền về chất lượng điện hạn chế, thường hay bị mất điện đột ngột, ảnh hưởng đến sản xuất. Nguyên nhân được xác định là do lưới điện 35 kV xuống cấp lại phải truyền tải điện đi xa. Bên cạnh đó, ngoài cấp điện cho các phụ tải của các KCN, cụm công nghiệp, lưới điện 35 kV còn cấp cho các khu dân cư...
Để khắc phục hạn chế này, Công ty Điện lực Hải Dương đã quyết định đầu tư hơn 21,7 tỷ đồng xây dựng mới, cải tạo đường dây 22 kV và 35 kV cấp điện cho các KCN Phúc Điền và Đại An. Công ty đã xây dựng và cải tạo 9.646 m tuyến cáp ngầm trung áp và đường dây trung áp trên không, gồm 6 lộ cáp ngầm 24 kV, 2 lộ cáp ngầm 35 kV... đáp ứng nhu cầu phát triển của phụ tải công nghiệp khu vực huyện Cẩm Giàng, Bình Giang. Hệ thống lưới điện 110-220 kV ở các KCN Đại An, Phúc Điền đã xây dựng cấu trúc mạch vòng hoặc mạch kép, ưu tiên sử dụng loại cột nhiều mạch để giảm hành lang tuyến đường dây tải điện. Lưới điện trung thế trong các KCN này cũng đang được chuyển từ 35 kV sang lưới 22 kV...
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp FDI như Công ty TNHH Kefico Việt Nam, Sumidenso Việt Nam, May Tinh Lợi, Việt Nam Toyo Denso, Công nghệ Nissei Việt Nam... ở các KCN Đại An, Phúc Điền, Tân Trường, Nam Sách, chất lượng điện phục vụ cho sản xuất hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Vũ Phú Vương, Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam cho biết gần đây chất lượng điện cung cấp phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp đã tốt lên rất nhiều. Tình trạng mất điện đột xuất do sự cố đường dây khi mưa to, gió lớn hầu như không còn. Các máy phát điện dự phòng của công ty mua trước đây nay gần như không phải sử dụng. Công ty chuyên gia công, lắp ráp máy in, máy fax xuất khẩu, chất lượng điện ổn định có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.
Đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hải Dương cho biết chất lượng điện phục vụ sản xuất ở các KCN, cụm công nghiệp sẽ được nâng cao hơn vào cuối năm nay bởi sẽ có nhiều dự án nâng công suất cấp nguồn và cải tạo hệ thống truyền tải hoàn thành. Nhu cầu phụ tải điện năm nay có công suất cực đại dự kiến là 758 MW và điện thương phẩm là 4 tỷ 500 triệu kWh. Để đáp ứng nhu cầu phụ tải, nhất là các phụ tải công nghiệp, trong năm 2016 dự kiến mức đầu tư của công ty đạt khoảng 430 tỷ đồng để nâng công suất các trạm biến áp (TBA), cải tạo hệ thống lưới điện. Một số TBA 110 kV như Phúc Điền, Đại An, Tiền Trung, Nghĩa An... đã được nâng công suất gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Tổng công suất cực đại của các TBA 110 kV đạt 1.231 MW vào cuối năm nay, bảo đảm yêu cầu dư nguồn.
Tập trung đầu tư theo quy hoạchSau hơn 1 năm công bố, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 vừa được điều chỉnh. Quy hoạch dự báo nhu cầu phụ tải điện năm 2020 toàn tỉnh có công suất cực đại là 1.050 MW và điện thương phẩm là 5 tỷ 820 triệu kWh, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm. Để đáp ứng yêu cầu dư nguồn chủ động, các TBA 110 kV trên địa bàn tỉnh cần đạt tổng công suất cực đại là 1.791MW vào năm 2020. Nhiều TBA 110 kV như Nhị Chiểu, Thanh Miện, Ngọc Sơn, Nghĩa An... sẽ phải nâng công suất trong các năm 2017 và 2018. Quy hoạch phát triển lưới điện 110-220 kV có cấu trúc mạch vòng hoặc mạch kép bảo đảm an toàn và ổn định điện, ưu tiên sử dụng loại cột nhiều mạch để giảm hành lang tuyến đường dây tải điện. Lưới điện trung thế được định hướng hạn chế lưới 35 kV, 10 kV, 6 kV và có lộ trình chuyển sang lưới 22 kV... Dự kiến, để thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt, mỗi năm cần đầu tư khoảng 500 tỷ đồng để phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Để thực hiện tốt quy hoạch, theo ông Phạm Tuấn Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hải Dương, các cấp, các ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để bảo đảm thống nhất cao, tránh chồng chéo trong sử dụng đất. Các cấp, các ngành, các địa phương cần có sự đồng thuận cao, phối hợp chặt chẽ với ngành điện để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thi công các công trình điện lực. Cơ chế và quy trình bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, các thủ tục thu hồi đất cũng cần được các cấp, các ngành liên quan sớm hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
THÀNH LONG