Cò kiếm mồi ban ngày, vạc kiếm ăn ban đêm. Khi hoàng hôn xuống, trên bầu trời làng An Dương xuất hiện cảnh giao ca ngoạn mục.
Đã hơn 20 năm anh Lê Văn Huy gắn bó, chăm chút cho đàn cò vạc. Ảnh: Minh Dương
Xuân về, giữa màu xanh cây lá, ruộng đồng quê hương nổi bật lên hình ảnh cánh cò trắng phau như những đốm hoa gài trên mặt đất, gắn trên bầu trời cứ lấp lóa, tạo thành những bức họa của làng quê...
Làng An Dương, xã Chi Lăng Nam, thuộc vùng sâu, vùng xa huyện Thanh Miện, được thiên nhiên ban tặng một món quà vô giá. Đó là một hòn đảo nổi lên giữa mặt hồ, và suốt ngày đêm, năm tháng, ríu rít sự sống của các loài chim. Diện tích khoảng 7.000 m2 đã trở thành vương quốc của hàng vạn con cò, con vạc và nhiều giống chim trời. Được biết, cò ở đây có nhiều loại khác nhau: cò lửa, cò ruồi, cò bợ, cò nghênh, cò ngang, cò hương, cò quăng. Còn vạc mới thấy có 4 loại: xanh, xám, sao, dạ. Người ta nhìn màu lông và hình dáng của chúng mà đặt tên.
Cò kiếm mồi ban ngày, vạc kiếm ăn ban đêm. Khi hoàng hôn xuống, trên bầu trời làng An Dương xuất hiện cảnh giao ca ngoạn mục. Hàng ngàn con cò về tổ và hàng nghìn con vạc bay đi kiếm ăn. Cả không gian vang động tiếng chim muông, như bản nhạc thiên nhiên.
Rồi làng An Dương trở thành điểm du lịch sinh thái tự khi nào...
Người dân bảo rằng: Đảo Cò này thực có duyên với những người lính Cụ Hồ. Ban đầu chỉ là sáng kiến của Hội Cựu chiến binh huyện, mong muốn bảo tồn Đảo Cò. Rồi ông Nguyễn Đức Ban, nguyên là đại úy phục viên về làng đã nhiệt tình hăng hái tham gia trong ban bảo vệ. Mấy năm sau, ông Ban già yếu xin nghỉ, lại có thượng uý Lê Văn Huy, nguyên là sĩ quan Đoàn 27 đặc công... thay thế.
Tôi đã gặp và có dịp nói chuyện với anh Huy, người cựu chiến binh da đen sạm, dáng nhanh nhẹn, khỏe mạnh, trẻ hơn tuổi 61 của mình. Là người lính quen thao trường trận mạc, nhưng nghe anh kể chuyện về cò, vạc tôi cứ ngỡ nhà sinh học chuyên nghiệp.
Chiều về trên Đảo Cò. Ảnh: Minh Dương
Với anh, quản lý Đảo Cò không đơn thuần là công việc hành chính. Gốc rễ của vấn đề là làm thế nào níu giữ được chúng ở lại, ngày càng nảy nở, sinh sôi. Để có thể làm tốt được công việc, anh Huy đã đầu tư nhiều thời gian công sức nghiên cứu về cò, vạc. Anh say mê như nhà sinh vật thực thụ. Những con cò mới nứt vỏ, còn đang ngơ ngác, run rẩy trượt chân rơi xuống đất, sắp làm mồi cho con rắn nằm chực sẵn... đã được anh băng bó cứu sống, trả về tổ cũ. Sau những trận giông bão, nhìn thấy vạc, cò bị mưa gió dập vùi, anh động lòng trắc ẩn, lặng lẽ đào hố chôn để trong sạch môi trường. Anh tìm hiểu về đời sống từng loại chim, cò, vạc, chúng thích nghi với môi trường như thế nào. Anh tìm đọc sách, nghiên cứu, ghi chép tỉ mỉ những sinh hoạt, quy luật đi về, sinh đẻ, tật bệnh của từng loại cò, loại vạc và đặc điểm của xã hội chim muông. Có khi anh còn gọi điện hỏi các chuyên gia, phóng xe lên tỉnh, xuống huyện, trình bày báo cáo, rồi xây dựng phương án, quy hoạch, phân công anh chị em trong đơn vị. Anh cũng nhiều lần đến gặp những người công tác từ trước để tham khảo ý kiến.
Sang xuân là mùa sinh sản. Đầu tiên là loài vạc, rồi sau đến cò. Nhưng tới khi cò ruồi sinh nở thì rừng tre đã kín tổ, chúng phải bỏ đi, chứ không thể tranh giành nhau với giống khác. Cò bợ yếu thế nhất, phải tìm gốc cây đẻ trứng... Chúng có những cách thích nghi để sinh tồn. Chim làm tổ, những cành tre gai góc cũng là vật che chắn, bảo vệ tổ ấm trước mọi kẻ thù rình rập. Mùa mưa, tre thoát nước nhanh, khô ráo, trứng không bị ngâm nước, bị ung... Những bụi tre bị cò vạc giẫm đạp, lâu dần hóa xác xơ. Mỗi khi làm tổ đón mùa sinh, cò vạc phải bay đi tìm những mẩu tre ngắn, cắp về rồi tự sắp xếp lại thành tổ. Để trợ giúp, anh Huy đã băm tre thành từng đoạn ngắn khoảng 20 cm, rồi mang ra đảo, những con cò, con vạc tự cắp về làm tổ...
Có một thời gian dài, cò vạc sống quẩn quanh với người trên đảo. Phải vận động 7 gia đình ra nơi ở mới để mở rộng không gian. Bây giờ vẫn thấy những hàng gạch xây, những giếng đào, những móng nhà dập dờn bên mép nước… Đó là dấu vết của khu nhà dân đã chuyển. Dẫu tuy là điểm du lịch sinh thái, được nhiều khách gần xa biết tới nhưng quang cảnh nơi đây vẫn giữ nguyên hình ảnh cây đa, hồ nước, sân chùa… bình yên của một làng quê. Những đàn cò vạc dang đôi cánh rộng, như thể vẫy mời khách thập phương về đây du ngoạn… làm cho đất quê thêm sống động, lưu giữ câu "đất lành cò đậu"!
Bây giờ ở đâu đó còn có thú vui săn bắt chim muông, còn ở làng An Dương, gần 60 hộ xung quanh Đảo Cò cam kết không bắt, giết chim trời. Đơn giản vậy, nhưng họ đang làm một việc ý nghĩa, chắp cánh cho những đàn cò bay vào trời rộng.
Đã hơn hai chục năm gắn bó với Đảo Cò, cùng với các cộng sự của mình, anh Lê Văn Huy đã làm được nhiều việc tốt. Cảnh quan khuôn viên ngày càng khang trang đẹp đẽ, dưới hồ nước sạch, trên bờ phong quang, khách du lịch từ khắp mọi miền tìm về ngày càng đông. Đời sống nhân dân quanh vùng cải thiện nhờ dịch vụ. 12 nhân viên trong đội quản lý thu nhập bình quân chỉ từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng, nhưng cảm thấy vui khỏe và được giao lưu với xã hội cộng đồng. Riêng với anh Lê Văn Huy, mùa xuân về anh thấy thêm niềm vui, khi nghĩ tới khách tham quan gọi mình là người nâng cánh cho đàn cò bay xa...
KHÚC HÀ LINH