Nguyễn Quý Anh, người vừa đạt điểm tuyệt đối IELTS 9.0 nói tiếng Anh đơn thuần là công cụ để học tập, giao tiếp nên không hứng thú với việc ôn thi.
Nguyễn Quý Anh, lớp 12 Anh 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, đạt 9.0 ngay lần đầu tiên thi IELTS hồi tháng trước. Trong bốn kỹ năng, nam sinh đạt 9.0 Listening (Nghe), Reading (Đọc) và Speaking (Nói); 8.0 Writing (Viết).
Ở Việt Nam, số người đạt 9.0 IELTS được biết đến rất hiếm hoi, khoảng 6-7 người và Quý Anh là người trẻ nhất.
Nguyễn Quý Anh, nam sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Thanh Hằng
Chàng trai sinh năm 2005 cho biết mình khá may mắn khi được tiếp xúc với tiếng Anh từ 3-4 tuổi. Nhưng thay vì chủ yếu tiếp nhận kiến thức ở các lớp học ngoại khóa, Quý Anh thấy mình có nhiều tương tác nhất với tiếng Anh qua việc sử dụng máy tính và chơi game. "Hồi mầm non và tiểu học, em hay lên mạng tìm tên game, phần mềm kèm chữ 'free' và 'crack' để tải về. Em cũng tiếp xúc với tiếng Anh qua các từ ngữ như 'start game' (bắt đầu chơi), 'save progress' (lưu tiến độ) hay 'exit' (thoát) trong các trò chơi", nam sinh kể.
Theo Quý Anh, khi chơi game hay xem phim hoạt hình, em rất nhớ các câu thoại, lời nói của nhân vật bởi chúng vang lên và lặp đi lặp lại trong đầu. Quý Anh giải thích do nhiều từ trong game và trên máy tính diễn đạt tiếng Anh nhanh hơn tiếng Việt, dần dần em quen với việc suy nghĩ bằng tiếng Anh.
Bên cạnh đó, nam sinh cảm thấy tiếng Anh giúp em diễn tả cảm xúc của mình chính xác hơn, nên nhiều khi em chọn giao tiếp bằng tiếng Anh. "Tiếng Việt phong phú nhưng nhiều lúc với em phức tạp hơn mức cần thiết. Ví dụ để xưng tôi, tiếng Anh chỉ cần nói I nhưng tiếng Việt lại có quá nhiều danh xưng như con, em, anh, chị, cô, dì, chú, bác", nam sinh chia sẻ.
Cho rằng tiếng Anh đơn thuần là công cụ giao tiếp, học tập, lại sử dụng ngôn ngữ này thường xuyên, Quý Anh không hứng thú nhiều với việc ôn thi IELTS. Theo nam sinh, hồi thi vào lớp 10, em đã ôn luyện nhiều dạng đề, trong đó có IELTS và nhận thấy đề thi này không có cấu trúc đặc biệt hay một dạng bài cụ thể cần nhớ, trừ phần một Writing. Do đó, Quý Anh quyết định thi IELTS vào tháng 10, không lâu trước hạn 1.11 để nộp hồ sơ cho kỳ tuyển sinh sớm vào đại học Mỹ.
"Em không nghĩ kết quả sẽ dưới 8.0, tuy nhiên khá bất ngờ khi đạt điểm tuyệt đối", Quý Anh nói.
Từng dạy tiếng Anh cho Quý Anh hồi lớp 9, thạc sĩ Mai Thành Sơn, giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, ví khả năng của Quý Anh vô tận giống túi thần kỳ của Doraemon. Những điều thầy cô dạy đều được nam sinh hấp thụ và chuyển thành kiến thức của mình. Thầy Sơn đánh giá Quý Anh còn có khả năng tự học, tự tìm hiểu vấn đề rất tốt nên không những tiếp thu nhanh mà còn nhớ lâu.
Quý Anh cho biết em không có phương pháp học đặc biệt, thường làm bài một cách khá ngẫu hứng. Dù vậy, nam sinh cho rằng vẫn sẽ có những cách để mọi người cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình trước khi thi IELTS.
Chẳng hạn với phần hai của phần Writing, đề thi IELTS thường yêu cầu thí sinh trình bày ý kiến cá nhân hoặc phân tích hai quan điểm trái chiều về một chủ đề cụ thể. Theo Quý Anh, người học muốn luyện viết có thể tham gia các trang mạng xã hội để cùng tranh luận về vấn đề cụ thể. Điều quan trọng là thay vì sử dụng những câu bình luận ngắn đối thoại qua lại, người học nên viết hẳn bài luận để trình bày quan điểm.
Với phần thi Speaking, đề thi phần hai yêu cầu thí sinh nói về một chủ đề cụ thể, phía dưới thường có ba câu hỏi gợi ý để thí sinh phát triển các ý liên quan. Quý Anh cho rằng không nên quá chú trọng việc trả lời các câu hỏi gợi ý, mà chỉ cần bắt đầu ở chủ đề đã cho và nói liên tục, trôi chảy cho đến khi hết thời gian. Theo nam sinh, bản chất của IELTS Speaking là kiểm tra khả năng nói, không phải cuộc thi kiến thức. Do đó, khi gặp những chủ đề khó, bí ý tưởng, người học nên tìm cách kéo đề tài về những gì mình biết để có thể nói dài.
Nam sinh vừa nộp hồ sơ vào Đại học Northwestern (Mỹ), chương trình song bằng cử nhân và thạc sĩ ngành khoa học máy tính và khoa học chính trị.
"Em quan tâm đến công nghệ, chính trị và đây là hai lĩnh vực mà em dùng tiếng Anh để phát triển", Quý Anh nói. Ngoài tham gia các dự án lập trình ứng dụng và phần mềm, em còn đọc sách về các chủ đề lịch sử và chính trị của Marx, Lenin, Michael Parenti, xem bài phát biểu của các nhà lãnh đạo, chính trị và triết học. Nam sinh cũng dự định học thêm tiếng Trung sau khi hoàn tất hồ sơ vào đại học.
Để cân bằng việc học và hoạt động thể thao, Quý Anh tập taekwondo, kickboxing, tennis trước khi chuyển sang chạy marathon. Năm lớp 8, nam sinh hoàn thành đường chạy marathon 10 km, lớp 9 chạy half-marathon 21 km. Ngày 16.10, nam sinh đã chinh phục 42 km full marathon.
Thầy Mai Thành Sơn nhận định Quý Anh sẽ mạnh nhất khi được phát triển theo cách của riêng mình. "Em là người có tham vọng, hoài bão lớn, vượt xa những gì người xung quanh có thể hiểu được. Tôi kỳ vọng em sẽ dùng tiếng Anh như công cụ đắc lực để nâng cao nhận thức chính trị và thế giới quan, trở thành nhà lãnh đạo trẻ của Việt Nam trong tương lai", thầy Sơn nói.
Theo VnExpress