Nam Sách xử lý rác tại nguồn

23/03/2022 16:02

Hiện nay, người dân ở nhiều nơi của huyện Nam Sách không còn lạ lẫm với việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn.

Từ khi thực hiện mô hình, gia đình ông Nguyễn Đình Chiến ở thôn Hùng Thắng (xã Minh Tân) có thêm nguồn phân bón hữu cơ cho rau, lúa


Làng quê sạch sẽ

Gần một năm nay, công việc nhặt, phân loại rác thải của gia đình ông Nguyễn Đình Chiến ở thôn Hùng Thắng (xã Minh Tân) đã đi vào nền nếp. Có mặt tại gia đình vào giờ nấu cơm trưa, chúng tôi thấy sau khi nhặt rau, gọt hoa quả, ông Chiến liền thu gom những cuống, lá rau, vỏ hoa quả thừa mang ra bỏ vào chiếc thùng nhựa màu xanh để ở góc vườn. Trong thùng lúc này đã gần đầy với những vỏ trấu, lá cây, nhiều bộ phận rau, củ, quả đang phân hủy. Đây là thùng xử lý rác thải bằng men vi sinh để thành phân bón hữu cơ. Ông Chiến cho biết: "Trước đây, những thứ này thường được để vào cùng một túi nilon rồi mang ra trước cửa nhà, sau đó xe thu gom rác thải của thôn mang đi. Có khi nhiều thứ vứt, đổ luôn ra vườn nhà".

Gia đình ông Chiến cũng như 32 hộ khác của thôn Hùng Thắng thực hiện việc này từ tháng 4.2021 khi thôn triển khai mô hình "Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình". 

Về xã Nam Hưng bây giờ, người dân không còn thấy cảnh những bao tải, túi nilon đựng các loại rác thải vứt lung tung trên các trục đường, bờ ao, nhất là trên bờ đê. Những nơi này đã phong quang, sạch sẽ hơn trước. Để có được kết quả này, từ năm 2019, xã Nam Hưng thực hiện việc phân loại rác tại nguồn ở thôn Trần Xá. Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, người dân trong thôn từng bước đồng thuận. Hằng ngày, người dân cho rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ vào các túi riêng. Ngày thứ ba và thứ bảy hằng tuần, những túi rác được lực lượng thu gom mang ra điểm tập kết của thôn. Để rác thải không tồn đọng tại các điểm tập kết, xã thuê một công ty thu gom, xử lý rác thải ở huyện Thanh Hà đến vận chuyển. Từ cách làm hiệu quả ở thôn Trần Xá, năm 2020 xã Nam Hưng thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác ở hai thôn còn lại là Linh Xá và Ngô Đồng.

Ông Dương Văn Quảng ở thôn Trần Xá cho biết: "Công việc thu gom rác ở thôn diễn ra thuận lợi, giá cả hợp lý giúp người dân yên tâm. Rác được phân loại, vận chuyển thường xuyên giúp môi trường sạch sẽ hơn rất nhiều".

Huyện Nam Sách hiện có khoảng 27% số hộ thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn ở các xã: Nam Chính, Phú Điền, Nam Hưng, Minh Tân, Cộng Hòa, Hợp Tiến, Nam Hồng, Đồng Lạc. Các mô hình này do Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đảm nhận.

Người dân xã Hợp Tiến được hướng dẫn cách phân loại, ủ rác thành phân bón hữu cơ


Huyện hỗ trợ

Theo ông Nguyễn Xuân Sanh, Bí thư Chi bộ thôn Hùng Thắng (xã Minh Tân), thực hiện mô hình đã tạo thành phong trào thi đua ở mỗi tổ tự quản về môi trường. Hằng tháng, thôn tổ chức dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật để đúng nơi quy định. Mô hình giúp các hộ dân hình thành ý thức tự thu gom, phân loại rác. Các hộ đã thu gom, xử lý được gần 6 tấn rác thải thành phân bón hữu cơ, góp phần cải tạo môi trường đất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả cây trồng và giữ môi trường nông thôn xanh, sạch.

Trước những hiệu quả tích cực của các mô hình thu gom, xử lý rác thải tại nguồn, năm 2021, huyện Nam Sách triển khai kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án "Thu gom và xử lý rác thải tại khu vực thôn, khu dân cư trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020". Huyện chọn việc nâng cao tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn trở thành công việc đột phá của năm. Địa phương phấn đấu đến năm 2022 có hơn 40% số gia đình thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, sau đó phát triển rộng rãi trên toàn địa bàn huyện vào năm 2025.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Sách, để thực hiện hiệu quả đề án nêu trên, huyện vừa ban hành cơ chế hỗ trợ cho các địa phương và người dân. Huyện hỗ trợ các xã, thị trấn kinh phí xây dựng ô ủ rác tập trung 2 ngăn, thể tích từ 20 m3 trở lên với kinh phí hơn 31,5 triệu đồng/ô ủ; các hộ thực hiện phân loại rác thải được hỗ trợ 7.000 đồng/khẩu/năm đối với khu vực nông thôn, 10.000 đồng/khẩu/năm đối với khu vực đô thị. Ngoài ra, hỗ trợ 70% tổng kinh phí của các xã, thị trấn thực hiện việc phân loại xử lý theo đề án bằng việc đốt chất thải rắn sinh hoạt vô cơ, không có khả năng tái chế. Các thôn, khu dân cư, xã, thị trấn cũng được hỗ trợ mỗi đơn vị 5 triệu đồng cho công tác tuyên truyền, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Sách xử lý rác tại nguồn