Nam Sách xây dựng thương hiệu cho cây hành

11/12/2018 16:32

Nhằm nâng tầm và khẳng định giá trị cây hành, huyện Nam Sách đang nỗ lực xây dựng nhãn hiệu tập thể “Hành Nam Sách”.


Hành trở thành cây rau màu chủ đạo cho giá trị kinh tế vượt trội của huyện Nam Sách

Nam Sách có diện tích trồng hành lớn, các sản phẩm chế biến từ cây hành phong phú. Nhằm nâng tầm và khẳng định giá trị cây hành, huyện Nam Sách đang nỗ lực xây dựng nhãn hiệu tập thể “Hành Nam Sách”.

Giá trị kinh tế cao

Xã Nam Trung có diện tích trồng hành lớn nhất huyện Nam Sách, mỗi năm trồng từ 200-300 ha. Ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nam Trung cho biết: Năm 2017, mỗi sào hành đạt giá trị 8 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, nông dân trong xã thu lãi 5 triệu đồng, cao hơn so với các cây trồng khác.

Bởi giá trị kinh tế cao, mỗi năm gia đình ông Tiệp xin hoặc thuê lại đất của các hộ dân trồng trên 1 mẫu hành. Năm nay gia đình ông trồng 2 mẫu.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách cho biết: Là cây mũi nhọn, hằng năm, hành luôn chiếm hơn 50% diện tích cây vụ đông của huyện với hơn 49.000 hộ trồng, tạo nên vùng nguyên liệu hàng hóa dồi dào. Năm nay, diện tích trồng hành chiếm 1.500 ha trong tổng số hơn 2.600 ha cây vụ đông của huyện. 

Cây hành trên địa bàn huyện Nam Sách được trồng quanh năm, phát triển mạnh, sản lượng củ cao. Trong khi hành Kinh Môn chủ yếu được xuất bán ở dạng củ phơi khô thì sản phẩm đưa ra thị trường của hành Nam Sách khá đa dạng. Ngoài dạng củ phơi khô, nông dân Nam Sách còn xuất bán củ tươi; lá hành, dọc hành là nguyên liệu phục vụ ngành chế biến tại địa phương. Các sản phẩm hành lá, hành củ thái lát sấy khô được chế biến tại các công ty, làng nghề trên địa bàn huyện không chỉ được bán trong nước mà còn xuất đi Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông.... Thôn Mạn Đê (xã Nam Trung) đã được công nhận làng nghề chế biến nông sản năm 2004. Hiện tại thôn có 8 công ty, doanh nghiệp tư nhân thu mua chế biến nông sản xuất khẩu trong, ngoài nước và 50 gia đình có lò sấy hành. Việc chế biến các sản phẩm từ cây hành không chỉ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương mà còn mang lợi nguồn lợi nhuận cao, ước tính từ 10-15 triệu đồng/tấn hành sấy. Ngoài thôn Mạn Đê, việc chế biến các sản phẩm từ cây hành cũng đang phát triển mạnh ở các xã trong huyện.


Hội thảo lựa chọn hệ thống nhận diện, lô gô, mẫu mã bao bì cho nhãn hiệu tập thể ”Hành Nam Sách”

Khẳng định vị thế cây hành

Tuy mang lại giá trị lớn nhưng các sản phẩm được chế biến từ cây hành của huyện Nam Sách khi đưa ra thị trường đều chưa có nhãn hiệu. Điều này gây những thiệt hại không nhỏ đối với người trồng hành như: giá không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thương lái. Giá trị thương phẩm của các sản phẩm chế biến từ cây hành không được khẳng định, không có sức cạnh tranh. Hiện các sản phẩm chế biến từ cây hành của Nam Sách chủ yếu xuất cho các công ty, doanh nghiệp nhập về đóng gói theo mẫu bao bì, thương hiệu của họ...

Căn cứ tình hình thực tế, đồng thời nhằm khẳng định vị thế, nâng tầm cho các sản phẩm từ cây hành, năm 2017, huyện Nam Sách đã triển khai kế hoạch xây dựng nhãn hiệu tập thể “Hành Nam Sách”.  Huyện chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để hoàn thiện các bước cần thiết. Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành khảo sát thực địa, phối hợp với huyện tổ chức các cuộc hội thảo để lựa chọn hệ thống nhận diện, quy chế sử dụng nhãn hiệu, lựa chọn lô gô, mẫu mã bao bì...

Ông Nguyễn Thế Hoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Nam Sách cho biết: Để xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cây hành, đến nay đã có 3 cuộc hội thảo được tổ chức. Cuộc hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức vào tháng 11 vừa qua đã thống nhất lựa chọn hệ thống nhận diện và hệ thống văn bản quản lý nhãn hiệu tập thể “Hành Nam Sách”. Trong lần hội thảo này, ngoài các cơ quan chuyên môn còn có sự tham gia của một số hội viên nông dân các xã trong vùng trồng hành, các chủ doanh nghiệp, cơ sở chế biến, xuất khẩu sản phẩm từ cây hành trên địa bàn huyện. Sau khi được đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tư vấn giới thiệu 5 logo và 3 mẫu bao bì, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến thống nhất về hệ thống nhận diện nhãn hiệu tập thể “Hành Nam Sách”, lựa chọn được mẫu logo và bao bì phù hợp để Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành rà soát và đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Các đại biểu cũng thảo luận về dự thảo hệ thống văn bản quản lý nhãn hiệu tập thể, quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hành Nam Sách”, quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy định gắn tem nhãn cho sản phẩm, việc ban hành quy trình sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Hành Nam Sách” của Hội Nông dân huyện. Huyện dự kiến việc đăng ký nhãn hiệu tập thể “Hành Nam Sách” sẽ hoàn tất trong năm 2019.

Với việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, tới đây, cây hành Nam Sách sẽ có được thương hiệu xứng đáng. Nó không chỉ khẳng định chất lượng sản phẩm và uy tín đối với khách hàng mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đồng thời hướng đến nền sản xuất chất lượng, bền vững, mang lại nguồn thu xứng đáng cho người sản xuất.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Sách xây dựng thương hiệu cho cây hành