Nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện Nam Sách tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh...
Nông dân Nam Sách tích cực cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Mẫn
Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Sách đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 26 đề ra.
Xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, Đảng bộ huyện Nam Sách đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với quy vùng sản xuất tập trung. Trong 5 năm qua, cùng với kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện đã trích ngân sách đầu tư trên 7 tỷ đồng hỗ trợ quy vùng, xây dựng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao. Nam Sách đã quy vùng sản xuất trên 1.200 ha sản xuất lúa lai, lúa chất lượng và trên 1.500 ha rau màu có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất và giá trị sản xuất. Đến năm 2015, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản của huyện đạt 135 triệu đồng (vượt 50 triệu đồng so với mục tiêu đại hội). Phát huy lợi thế có sông Thái Bình và sông Kinh Thầy bao quanh, huyện đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng trên sông ở các xã Nam Tân, Nam Hưng, Thanh Quang, Hiệp Cát, Thái Tân... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển, toàn huyện có 55 hộ đạt tiêu chí kinh tế trang trại.
Cùng với nông nghiệp, huyện cũng quan tâm phát triển các nghề thủ công truyền thống và thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ. Hiện nay, Nam Sách có 8 làng nghề (gốm Chu Đậu, làm hương ở xã Quốc Tuấn, nghề mộc ở xã Nam Hưng...); trên 230 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 5.800 lao động, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Hoạt động dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Công tác thu, chi ngân sách được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thu được kết quả tích cực. Bình quân hằng năm thu ngân sách huyện tăng 51,9%, ngân sách xã tăng 75,2% so với kế hoạch tỉnh giao, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), việc dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng được triển khai thực hiện có hiệu quả với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân. Cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi được quan tâm đầu tư, đồng ruộng được chỉnh trang, tạo thuận lợi đưa cơ giới hoá vào sản xuất. Do làm tốt công tác dân vận, phát huy dân chủ, toàn huyện đã huy động được trên 310 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Nhân dân đã đóng góp trên 1.100 ngày công, hiến hơn 27.000 m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Số tiêu chí NTM trung bình của các xã tăng từ 8,16 tiêu chí (năm 2011) lên 13,06 tiêu chí (năm 2015). Năm 2014, An Lâm là xã đầu tiên của huyện được tỉnh công nhận đạt xã NTM; 5 xã Đồng Lạc, Thanh Quang, Hợp Tiến, Nam Tân, Nam Hồng phấn đấu đạt xã NTM trong năm 2015.
Là địa phương vinh dự được Bác Hồ 2 lần về thăm, cũng là nơi phát động phong trào vệ sinh yêu nước trong phạm vi toàn quốc, Đảng bộ và chính quyền huyện Nam Sách luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường. Đến nay, cả 19 xã, thị trấn đã được đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước máy cho nhân dân sử dụng. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ thu gom rác thải khu vực đô thị đạt 87%, nông thôn đạt 70%.
Nam Sách chú trọng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ảnh: Mẫn Nguyễn
PHẠM MẠNH HÙNG,Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nam Sách