Nam Sách là địa phương đầu tiên trong tỉnh quyết tâm chuẩn hóa 100% số giáo viên tiếng Anh trong năm 2017.
Giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ rèn luyện các kỹ năng nghe, nói cho học sinh hiệu quả hơn
Tạo điều kiện thuận lợiNăm 2011, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lần đầu tiên tổ chức khảo sát năng lực ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên tiếng Anh trên địa bàn tỉnh làm căn cứ xây dựng Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục ở Hải Dương giai đoạn 2011-2020. Lần khảo sát đó, huyện Nam Sách chỉ có 2 giáo viên tiểu học, 12 giáo viên THCS đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ, chiếm chưa đến 20%. Tuy nhiên, từ năm học 2012-2013, Phòng GDĐT huyện Nam Sách đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu dạy và học tiếng Anh ngày càng cao trong trường phổ thông.
Ông Vũ Quang Hoàng, Trưởng Phòng GDĐT huyện cho biết: "Phòng GDĐT thường xuyên tổ chức hội nghị và tập huấn dành riêng cho giáo viên tiếng Anh bàn về giải pháp, kinh nghiệm nâng cao năng lực. 3 năm học gần đây, phòng đều tổ chức thi giáo viên giỏi môn tiếng Anh, tạo động lực cho họ nâng cao trình độ chuyên môn, là dịp để các giáo viên học hỏi lẫn nhau trong giảng dạy". Các trường tiểu học, THCS trong huyện được tăng cường trang thiết bị phục vụ dạy học tiếng Anh như bảng tương tác, máy chiếu, hệ thống âm thanh. Những thiết bị này giúp cho chất lượng dạy học tiếng Anh của giáo viên được cải thiện khá rõ rệt khi học sinh được nghe chính người nước ngoài phát âm chuẩn qua băng, video...
Các nhà trường cũng có nhiều biện pháp giúp các giáo viên ngoại ngữ vươn lên đạt chuẩn về năng lực. Cô giáo Dương Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết trường có 3 giáo viên tiếng Anh đều đã đạt chuẩn trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu. Trong đó, có 2 giáo viên đạt chuẩn từ đợt thi đầu, 1 giáo viên sau khi được nhà trường khích lệ, tạo điều kiện tham dự các lớp bồi dưỡng cũng đã thi đạt. Ngoài việc thường xuyên động viên, khuyến khích giáo viên, Trường THCS Nguyễn Trãi còn đánh giá, xếp thứ tự giáo viên dựa trên chất lượng môn học của học sinh. Đó cũng là cách khiến giáo viên trau dồi thêm kiến thức, năng lực bản thân.
Đến nay, huyện Nam Sách có 81,8% số giáo viên có năng lực ngoại ngữ B2, 18,2% số giáo viên có năng lực ngoại ngữ B1, A2. Như vậy, tỷ lệ giáo viên cần nâng chuẩn chỉ còn khoảng 10%. Phòng GDĐT quyết tâm sẽ chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ cho toàn bộ đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong năm học này. "Nếu giáo viên hợp đồng tiếp tục bồi dưỡng mà thi vẫn không đạt thì chúng tôi sẽ cho nghỉ", ông Vũ Quang Hoàng khẳng định.
Nỗ lực tự bồi dưỡngĐể quá trình nâng chuẩn hiệu quả, vai trò quan trọng nhất vẫn thuộc về chính các giáo viên ngoại ngữ. Sự nỗ lực tự học hỏi, bồi dưỡng đã giúp họ vượt qua chính mình để đạt mức năng lực theo quy định. Theo cô giáo Hồ Thị Vùng (Trường Tiểu học Nam Trung), các khóa bồi dưỡng, tập huấn chủ yếu hướng dẫn giáo viên cách làm bài thi vì cách thi theo khung tham chiếu châu Âu khác với những kỳ thi trước đây họ thường tham dự. Còn để nâng cao năng lực, bản thân mỗi giáo viên phải tự học rất nhiều. Cô giáo Vùng thường tải các bài luyện nghe thi Toefl, Ielts trên mạng internet về rèn kỹ năng nghe, đọc các sách bằng tiếng Anh, những từ chưa biết thì tra từ điển. Trong quá trình tự học đó, các kỹ năng của giáo viên đều được nâng lên. Không chỉ thi đạt chứng chỉ B2 mà những giờ dạy trên lớp cô Vùng cũng tự tin hơn, có nhiều phương pháp thu hút học sinh tốt hơn trước.
Các thiết bị hỗ trợ giúp cho việc dạy và học ngoại ngữ sinh động, hiệu quả
Ngoài việc phải đạt chứng chỉ theo quy định thì yêu cầu từ chính việc học của học sinh là một động lực thúc đẩy giáo viên tiếng Anh phải nâng cao năng lực. Thầy giáo Trần Quang Ngọc, nhóm trưởng chuyên môn tiếng Anh Trường THCS Nguyễn Trãi nhận xét: "Những năm gần đây, sự quan tâm học tiếng Anh của phụ huynh và học sinh cao hơn trước rất nhiều. Học sinh học tiếng Anh tốt hơn, bắt buộc giáo viên phải có trình độ tốt thì mới hướng dẫn các em học, tham gia các cuộc thi tiếng Anh hiệu quả". Các giáo viên phải liên tục cập nhật, trau dồi kiến thức, tham khảo các phương pháp dạy học sáng tạo, sinh động thì mới thu hút được học sinh. Trong thực tế, những trường có giáo viên đạt chuẩn, năng lực tốt thì kết quả học và thi tiếng Anh thường tốt hơn. Trường THCS Nguyễn Huệ 2 năm gần đây đều có học sinh đoạt giải cấp quốc gia trong cuộc thi tiếng Anh trên mạng internet. Điểm số tiếng Anh trong kỳ thi vào THPT của học sinh thường đứng thứ nhất, thứ hai toàn huyện. Trường Tiểu học Nam Trung là một trong những trường đầu tiên của huyện đủ điều kiện dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần đối với lớp 3, 4, 5 và 2 tiết/tuần đối với lớp 1, 2.
Trong khi nhiều giáo viên tiếng Anh ở một số địa phương chật vật không nâng được chuẩn thì những kết quả huyện Nam Sách đã đạt được rất đáng khích lệ.
VIỆT HÒA