Trong xây dựng NTM, huyện Nam Sách không chỉ tập trung nâng cao đời sống vật chất cho người dân mà còn quan tâm xây dựng, phát triển đời sống tinh thần ở mỗi xóm thôn.
Môn vật được thi đấu tại Đại hội Thể dục thể thao xã Hợp Tiến
Chú trọng xây dựng thiết chếXác định các thiết chế văn hóa, thể thao là nền tảng để nâng cao đời sống tinh thần, phục vụ nhu cầu tập luyện, vui chơi, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của nhân dân, huyện Nam Sách đã dành nguồn lực thỏa đáng để kiến thiết. Ngoài nguồn hỗ trợ của trên, huyện hỗ trợ mỗi nhà văn hóa thôn xây mới từ 100-200 triệu đồng tùy theo số dân. Mỗi thôn sửa chữa, nâng cấp sân vận động được hỗ trợ 30 triệu đồng.
Ngoài dành kinh phí thỏa đáng xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, các địa phương đã huy động hiệu quả nguồn lực từ phía người dân và nguồn xã hội hóa. An Lâm là một trong 6 xã nông thôn mới (NTM) đợt đầu của tỉnh. Xã đã đầu tư trên 800 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị nhà văn hóa trung tâm. Sân vận động trung tâm xã cũng được xây dựng với kinh phí hơn 6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và địa phương. Khi xã quy hoạch sân vận động, hơn 30 hộ dân đã tự nguyện nhượng 1 ha đất ruộng để xây dựng công trình và chỉ nhận 2/3 giá trị đất đền bù theo quy định. Trong xây dựng NTM ở xã Hiệp Cát, nhân dân đã đóng góp phần lớn kinh phí để xây dựng nhà văn hóa các thôn Kim Độ, Nghi Dương trị giá mỗi nhà trên 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Liêm, Phó Trưởng Phòng Văn hóa, thông tin huyện Nam Sách cho biết nhờ dành nguồn kinh phí thỏa đáng và huy động tốt nguồn lực trong dân, huyện đã đạt được những kết quả ấn tượng trong xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Đến nay, toàn huyện có 99 trong tổng số 102 thôn, khu dân cư có nhà văn hóa. Trước khi xây dựng NTM, toàn huyện chỉ có 7 trong tổng số 19 xã có sân vận động đạt chuẩn. Đến nay, 14 xã có sân vận động đạt chuẩn, trong đó năm 2016 có 5 sân được hoàn thiện. Các thiết chế văn hóa, thể thao đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn, phục vụ thiết thực nhiệm vụ xây dựng NTM. Huyện đã có 11 xã đạt chuẩn NTM. Năm 2017, huyện tiếp tục phấn đấu thêm 3 xã về đích NTM.
Đa dạng hình thức hoạt độngCùng với xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, huyện Nam Sách đã chỉ đạo các xã xây dựng NTM rà soát, động viên các thôn đăng ký xây dựng danh hiệu văn hóa, thực hiện tiêu chí 16. Năm 2012, huyện ban hành sổ tay hướng dẫn quy trình công nhận, khen thưởng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến từng tủ sách thôn, các trưởng thôn, bí thư chi bộ. Huyện còn ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể quy chế thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội và xây dựng gia đình văn hóa. Đến nay, toàn huyện có 92 trong tổng số 102 làng, khu dân cư đạt danh hiệu văn hoá, đạt hơn 90%, cao hơn bình quân chung của tỉnh. Trong đó tất cả các làng ở 10 xã đều đạt danh hiệu văn hóa. Tỷ lệ gia đình văn hóa của huyện đạt trên 88%.
Trong xây dựng NTM, huyện đặc biệt chú trọng phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. 18 xã của huyện đều có đội văn nghệ tuyên truyền và phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân. Tiêu biểu như đội chèo xã Nam Hưng nhiều lần đoạt giải cao tại hội diễn các cấp; đội chèo xã An Bình với 30 diễn viên, nhạc công liên tục ra mắt các hoạt cảnh chèo cổ vũ xây dựng NTM. Ngoài ra, mỗi thôn đều có câu lạc bộ văn nghệ, thơ làm cho phong trào phát triển rộng khắp. 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện đã diễn ra hơn 200 cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các thôn, khu dân cư.
Trong xây dựng NTM, huyện cũng coi trọng phát triển phong trào thể dục thể thao cơ sở. Theo thống kê, toàn huyện Nam Sách hiện có 27% số dân tham gia tập luyện thể dục thể thao, số gia đình thể thao chiếm 18%. Đáng chú ý, trong Đại hội Thể dục thể thao cấp cơ sở vừa qua, các xã đều tổ chức ít nhất 5 môn trở lên, tạo sân chơi rộng khắp cho cộng đồng. Hầu hết các xã đều đưa các môn thể thao truyền thống như cờ tướng, kéo co, võ thuật vào thi đấu để bảo tồn.
Ông Mạc Quốc Đông, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin, thể thao huyện Nam Sách cho biết để phát triển phong trào văn nghệ, thể thao, huyện và các xã đã chú trọng bồi dưỡng, kết nạp những thành viên trẻ tuổi, gây dựng đội ngũ kế cận. 2 năm một lần, huyện tổ chức hội diễn sân khấu không chuyên hoặc liên hoan văn hóa, văn nghệ các làng, khu dân cư văn hóa để khích lệ phong trào, tạo sân chơi cho nhân dân. Năm 2013, huyện dàn dựng vở chèo “Mở đường” quy tụ diễn viên không chuyên của các xã Nam Hưng, An Bình và Hợp Tiến biểu diễn ở 18 xã trong huyện tuyên truyền về xây dựng NTM. Hằng năm, trung tâm tổ chức các lớp tập huấn kiến thức các môn nghệ thuật cho các đội văn nghệ cơ sở, tập huấn kỹ thuật các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, bơi, võ thuật… cho hướng dẫn viên thể thao ở các thôn.
Quan tâm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trong xây dựng NTM, Nam Sách đã trở thành điểm sáng của tỉnh trong thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
NGỌC HÙNG