Nam Sách khai thác hiệu quả đất bãi

10/12/2013 12:43

Với lợi thế đất đai màu mỡ, phì nhiêu, lại tích cực đưa giống mới vào sản xuất nên những năm qua, Nam Sách đã khai thác hiệu quả gần 500 ha đất bãi ven sông.



Mô hình trồng cà rốt luân canh theo hướng VietGAP tại xã Minh Tân cho giá trị
sản xuất 400-500 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: HÀ VY


Thu nhập cao từ đất bãi

Trên địa bàn huyện Nam Sách, dọc các xã từ Minh Tân, Hiệp Cát, Thanh Quang, Cộng Hòa, ở đâu cũng có những vùng đất bãi trù phú đang được bà con nông dân khai thác hiệu quả với đủ các loại rau màu phù hợp. Anh Đặng Đức Khuông ở thôn Hùng Thắng, xã Minh Tân là một trong những người đi tiên phong trong việc đưa cây cà rốt về trồng trên đất bãi của xã. Gia đình anh hiện có 3 mẫu bãi ngoài đê, trung bình một năm anh quay vòng 4 vụ rau màu từ rau vụ đông sớm cà rốt vụ đông đến ngô xuân hè, rồi rau hè thu. Năm 2008, anh Khuông sang học tập mô hình trồng cà rốt tại xã Đức Chính (Cẩm Giàng) rồi đưa giống về trồng trên diện tích 1 mẫu, sau đó mở rộng ra 4 mẫu. Thấy anh Khuông trồng cà rốt đạt hiệu quả kinh tế cao, bà con trong vùng bắt đầu học tập kinh nghiệm và mở rộng diện tích. Anh Khuông cho biết: "Trước đây, trên đất bãi ven sông thường chỉ trồng ngô, đậu, lạc vụ đông với những giống cũ, dài ngày, năng suất thấp. Những năm gần đây, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều loại giống mới, ngắn ngày, cho năng suất cao được bà con đưa vào sản xuất đã góp phần tăng vụ, tăng sản lượng và giá trị kinh tế. Trước đây mỗi năm gia đình tôi chỉ quay vòng được 2 - 3 vụ nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, tôi đã quay vòng được 4 vụ/năm; chủ yếu là trồng các loại cây như cà rốt, ngô lai, cải các loại... Mỗi năm, tôi thu lãi từ 80 - 90 triệu đồng từ trồng rau màu.

Anh Nguyễn Văn Thìn ở thôn Kinh Dương, xã Hiệp Cát nhiều năm nay có nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ diện tích đất bãi. Trước năm 2008, anh trồng nhiều loại cây khác nhau trên vùng đất bãi nhưng hiệu quả thấp. Rồi qua tìm hiểu anh nhận thấy chuối tiêu hồng là giống cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, nhất là đối với những vùng đất bãi màu mỡ. Trồng chuối lại nhanh cho thu hoạch, năng suất cao. Và anh mạnh dạn thuê 2 mẫu đất bãi ven sông Thái Bình ở thôn Kinh Dương để trồng chuối tiêu hồng. Do nắm vững kinh nghiệm nên chuối của anh sau khi thu hoạch luôn có màu vàng sáng đẹp, thịt quả rắn, ăn ngọt và thơm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng nên bán được giá. Có thời điểm anh bán được 350 - 400 nghìn đồng/buồng chuối. Giờ đây, diện tích trồng chuối của gia đình anh đã lên tới 10 mẫu. Cùng với trồng chuối, anh Thìn cũng trồng xen nhiều loại cây rau màu ngắn ngày như: ngô, cải bắp, su hào... để tăng thêm thu nhập mà không ảnh hưởng đến năng suất của chuối. Từ trồng chuối và các loại cây rau màu khác, mỗi năm gia đình anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Với lợi thế về đất đai màu mỡ, một số địa phương trên địa bàn huyện Nam Sách có vùng đất bãi đã có nhiều cách làm hiệu quả, khai thác được tiềm năng đất đai, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Các xã như: Cộng Hòa, Thái Tân, Minh Tân... có diện tích đất bãi lớn đã hình thành những vùng sản xuất rau màu tập trung một vùng. Các khu vực chân vàn cao, có đê bối bảo vệ được chuyển sang trồng chuối, đu đủ, ớt... thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng nơi đồng bãi đã hình thành những vùng chuyên canh nông sản hàng hóa lớn, như vùng cà rốt ở các xã Minh Tân, Thái Tân; ớt, cà chua ở xã Cộng Hòa; chuối, đu đủ ở các xã Cộng Hòa, Hiệp Cát, An Bình... Ngoài ra, tận dụng thức ăn xanh như bãi cỏ, phụ phẩm nông nghiệp cùng với điều kiện bãi chăn thả nên chăn nuôi gia súc ở vùng đất bãi có nhiều lợi thế để phát triển. Hiện nay, các xã Nam Hưng, Hiệp Cát cũng phát triển mạnh nghề chăn nuôi bò thịt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Ông Vương Xuân Hiệu, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Minh Tân cho biết : “Xã tôi có gần 150 ha đất bãi ngoài đê. Với công thức luân canh 4 vụ bền vững, giá trị sản xuất đã đạt từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm".

Cần quan tâm giữ đất canh tác

Hiệu quả kinh tế cũng như tiềm năng từ vùng đất bãi mang lại cho người dân Nam Sách là rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn diễn ra khá phức tạp, nhiều diện tích bãi bồi bị sạt lở do khai thác cát khiến người dân không khỏi lo lắng bất an. Việc sạt lở, mất đi diện tích đất bãi ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con, nhiều gia đình không còn diện tích để sản xuất.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách cho biết: "Toàn huyện hiện có gần 500 ha đất bãi bồi ngoài đê. Những năm qua, nhiều mô hình như trồng cà rốt theo hướng VietGAP tại xã Minh Tân, Thái Tân; nuôi bò thịt tại xã Nam Hưng, trồng cà chua chay tại xã các xã Cộng Hòa, trồng chuối tại các xã Cộng Hòa, Hiệp Cát... đã mang lại giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng ha/năm, cao hơn rất nhiều so với diện tích canh tác trong đồng. Nhiều nông dân mạnh dạn thuê đất bãi với diện tích lớn để hình thành vùng sản xuất tập trung. Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi lo ngại hiện nay là nhiều diện tích đất bãi đang bị đe dọa bởi nạn khai thác cát trái phép. Chỉ tính trong vòng 2 năm trở lại đây, toàn huyện đã mất khoảng 50 ha đất bãi. Trong đó, riêng xã Minh Tân đã mất khoảng 30ha".

Để tiếp tục khai thác tiềm năng vùng đất bãi ven sông một cách bền vững, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện cần quan tâm hơn nữa trong việc xử lý tình trạng khai thác cát trái phép làm ảnh hưởng tới diện tích canh tác của bà con. Đồng thời, huyện cũng cần quan tâm xây dựng, hỗ trợ bà con các mô hình sản xuất mới, khuyến khích các tổ chức, cá nhân quy hoạch, sản xuất quy mô lớn, hỗ trợ bà con tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

NGÂN HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Sách khai thác hiệu quả đất bãi