Phấn đấu đến năm 2015, 100% số xã, thị trấn hoàn thành xây dựng hệ thống nước máy phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Trạm cấp nước tập trung 3 xã Thái Tân, Minh Tân, Hồng Phong đang trong giai đoạn thi công,
dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2012
Năm 2011, huyện Nam Sách có 6 xã đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch là: Nam Hồng, Cộng Hoà, An Lâm, Minh Tân, Thái Tân và Nam Tân. Tổng kinh phí đầu tư trên 60 tỷ đồng. Trong đó, 3 xã vùng xa là Minh Tân, Thái Tân và Nam Tân xây dựng trạm cấp nước tập trung theo dự án "Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Hồng". Kinh phí đầu tư cho mỗi xã khoảng 15 tỷ đồng. Trong đó, 90% là vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và 10% còn lại do nhân dân đóng góp. Hệ thống cấp nước sạch của các xã còn lại do các xã phối hợp với các công ty kinh doanh nước sạch trong và ngoài huyện xây dựng. Nếu năm 2010, trên địa bàn huyện chỉ có thị trấn Nam Sách và xã Đồng Lạc có nước máy thì đến cuối năm 2011 có thêm 3 xã là An Lâm, Nam Hồng và Cộng Hoà người dân được sử dụng nước máy với tổng số gần 9.000 hộ. Tỷ lệ số hộ dân tham gia sử dụng nước máy ở thị trấn Nam Sách và các xã Đồng Lạc, An Lâm đạt trên 95%, Nam Hồng đạt trên 90%, Cộng Hoà đạt 77%. Ngoài cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân, hệ thống cấp nước sạch còn cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở y tế trên địa bàn.
Năm 2012, ngoài việc tiếp tục hoàn thành công trình trạm cấp nước tập trung của 3 xã là Nam Tân, Minh Tân và Thái Tân, trên địa bàn huyện sẽ có thêm 8 xã là Hồng Phong, An Bình, Quốc Tuấn, Hợp Tiến, Nam Hưng, Nam Chính, Hiệp Cát và Phú Điền triển khai xây dựng hệ thống cấp nước sạch. Trong đó, xã Hồng Phong xây dựng hệ thống cấp nước sạch từ trạm cấp nước tập trung 2 xã Thái Tân và Minh Tân nằm trong dự án “Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Hồng” đặt tại địa bàn xã Thái Tân. Xã Phú Điền xây dựng hệ thống cấp nước sạch từ trạm cấp nước tập trung xã Cộng Hoà liền kề. Các xã An Bình, Quốc Tuấn, Hợp Tiến, Nam Hưng, Nam Chính, Hiệp Cát phối hợp với Công ty CP Xây dựng và thương mại Nam Sơn triển khai xây dựng trạm cấp nước tập trung có vị trí đặt tại xã An Bình với tổng công suất 6.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1), kinh phí đầu tư 28 tỷ đồng. Nguồn nước trước khi qua xử lý được lấy từ sông Kinh Thầy.
Việc cung cấp nước phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân thời gian qua được các đơn vị kinh doanh thực hiện tương đối tốt, chất lượng nước được bảo đảm. Hiện trên địa bàn huyện có 3 công ty kinh doanh nước sạch hoạt động là Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương cung cấp nước cho thị trấn Nam Sách và Nam Hồng; Công ty CP Xây dựng và thương mại Nam Sơn cung cấp nước cho xã Cộng Hoà và An Lâm; Công ty CP Thương mại và dịch vụ Thu Hằng cung cấp nước cho xã Đồng Lạc. Nguồn nước cung cấp chủ yếu được lấy từ trạm cấp nước tập trung của Công ty Viwaseen (xã Ái Quốc, TP Hải Dương). Riêng xã Cộng Hoà lắp đặt trạm cấp nước riêng với công suất 800m3/ngày đêm, kinh phí đầu tư 14 tỷ đồng.
Theo lộ trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015, 100% số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nam Sách hoàn thành xây dựng hệ thống nước máy phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Để đạt được các mục tiêu này, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để thu hút sự tham gia của các đơn vị kinh doanh nước vào địa bàn đầu tư, huyện đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, thông qua các hội nghị, sân khấu hoá... Các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp với Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tổ chức các buổi truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho cán bộ hội viên. Hội Phụ nữ cơ sở thành lập và cho ra mắt các câu lạc bộ phụ nữ với nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn...