Nam Sách đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

28/09/2017 08:08

Nam Sách đã chọn việc quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung làm điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới. Bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực...



Gia đình ông Nguyễn Khắc Chức ở thôn Trần Xá (xã Nam Hưng) đã chuyển gia trại
ra vùng chăn nuôi tập trung mới cách làng hơn 300 m

Khắc phục ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trong khu dân cư (KDC) được huyện Nam Sách chọn làm điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Việc quy hoạch, xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Xã Nam Hồng (Nam Sách) từng nhức nhối về tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trong KDC. Nổi cộm là chất thải chăn nuôi tại thôn Đụn xả trực tiếp ra cống rãnh, đường đi làm, không khí bốc mùi hôi thối. Ông Bùi Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng cho biết từ năm 2004, xã đã quy hoạch các vùng chuyển đổi để phát triển sản xuất. Rất nhiều hộ đã đấu thầu xây dựng trang trại, gia trại tại các khu này. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trong thôn xóm vẫn diễn ra. Để khắc phục tình trạng trên, khi thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, Nam Hồng chủ trương chuyển các hộ chăn nuôi quy mô lớn ra khỏi KDC. Từ năm 2011 đến khi hoàn thành xây dựng NTM năm2015, hàng chục hộ chăn nuôi quy mô lớn được di dời ra các vùng chuyển đổi. Đến nay, toàn xã có 3 vùng chuyển đổi chăn nuôi tập trung rộng 23 ha với 42 trang trại, gia trại. Xã cũng yêu cầu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn lại trong KDC xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hầm biogas. Nhờ vậy, tình trạng ô nhiễm do xả chất thải chăn nuôi ra môi trường đã chấm dứt.

Người dân thôn Trần Xá (xã Nam Hưng) cũng từng bức xúc với tình trạng ô nhiễm môi trường do các hộ chăn nuôi trong KDC gây ra. Để chấm dứt tình trạng trên, khi xây dựng NTM, Nam Hưng đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung rộng 3ha cách làng hơn 300 m. Xã lập danh sách các hộ chăn nuôi quy mô lớn và mời đến thống nhất chủ trương di dời. Từ năm 2015 đến nay, Nam Hưng đã di dời được 9 hộ chăn nuôi quy mô lớn ra khỏi nơi dân cư sinh sống. Tình trạng ô nhiễm môi trường được cải thiện. Năm2016, xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Đến năm2018, Nam Hưng tiếp tục di dời các hộ chăn nuôi còn lại ra vùng tập trung khác rộng gần 3 ha, cách xa KDC 500m.  

Trong nhiều năm qua, phát triển chăn nuôi mang lại nguồn thu nhập lớn cho các gia đình, góp phần phát triển kinh tế của huyện Nam Sách. Từ thực tế chăn nuôi trong KDC gây ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng, nên khi triển khai xây dựng NTM, Nam Sách chủ trương lấy quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung làm điểm nhấn trong thực hiện tiêu chí môi trường. Huyện chỉ đạo các xã xây dựng NTM chuyển hoạt động chăn nuôi ra các vùng chuyển đổi hoặc lập vùng chăn nuôi tập trung mới rộng từ 2 ha trở lên. Các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể phối hợp với chính quyền các địa phương vận động các hộ chăn nuôi chấp hành chủ trương chung. Các xã đưa mục tiêu này vào quy hoạch xây dựng NTM, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể.

Từ khi triển khai xây dựng NTM đến nay, toàn huyện đã có gần 100 trang trại, gia trại nuôi lợn, trâu bò, gia cầm quy mô lớn trong KDC được di dời ra các vùng chuyển đổi hoặc các vùng chăn nuôi tập trung mới. Tiêu biểu là vùng chăn nuôi tập trung xã Nam Tân rộng khoảng 50 ha với hơn 20hộ, vùng chăn nuôi tập trung xã Đồng Lạc rộng 3,2 ha với hơn 10 hộ… Đã có một số xã hình thành được các vùng chăn nuôi tập trung mới như An Lâm, Nam Hưng.

Từ chủ trương chuyển đổi, nhiều trang trại, gia trại được đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm. Điển hình như gia đình anh Vũ Văn Tuân trước làm máy xay xát và chăn nuôi ở thôn Thượng Đáp (xã Nam Hồng). Thực hiện chủ trương di dời của xã, anh đã ra vùng chuyển đổi tại thôn Đụn lập trang trại rộng 14.000m2 nuôi 200-300 con lợn mỗi năm. Gia đình ông Nguyễn Khắc Chức chăn nuôi quy mô lớn ở thôn Trần Xá (xã Nam Hưng) cũng chuyển ra vùng chăn nuôi tập trung mới cách làng hơn 300m. Tại đây, ông đã đầu tư hơn 2tỷ đồng xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải hiện đại. Hiện trang trại của ông nuôi 50lợn nái, 350lợn thịt.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách, chủ trương chuyển hoạt động chăn nuôi ra các vùng chuyển đổi, các vùng chăn nuôi tập trung đã mang lại hiệu quả thiết thực trong xây dựng NTM. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong KDC giảm đáng kể. Các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn được hình thành. Do quy hoạch được các trang trại chăn nuôi tập trung xa KDC nên nhiều năm nay huyện Nam Sách không xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

NGỌC HÙNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Sách đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư