Nam Sách định hướng phát triển mỗi xã một sản phẩm

30/07/2019 09:57

Huyện Nam Sách đang định hướng phát triển mỗi xã một sản phẩm phù hợp, hiệu quả nhất, tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới.

Huyện Nam Sách chọn gốm ở xã Thái Tân để tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (ảnh tư liệu)

Xác định sản phẩm chủ lực

Hàng chục năm nay, cánh đồng của thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn được người dân chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng rau màu cho giá trị kinh tế cao. Mặc dù có kinh nghiệm, kỹ thuật để làm ra nông sản an toàn, chất lượng song nông dân vẫn luôn trăn trở khi đầu ra sản phẩm còn bấp bênh. Gia đình ông Vũ Đức Ánh có 6 sào trồng luân canh dưa, bí, cà chua cho lợi nhuận cao gấp 5-6 lần so với cấy lúa nhưng vẫn không tránh khỏi tình cảnh lệ thuộc vào thương lái, lúc giá lên cao khi lại xuống thấp. Ông Ánh cho biết: "Vì vẫn phải loay hoay trong khâu tiêu thụ nên các hộ không yên tâm sản xuất. Chúng tôi đã áp dụng quy trình VietGAP vào canh tác rau màu đã có thể cạnh tranh với các vùng miền khác. Hy vọng việc xác định sản phẩm chủ lực riêng của địa phương cùng với xây dựng mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ chặt chẽ sẽ giúp nông dân có thu nhập ổn định, lại nâng cao vị thế cho sản phẩm của quê hương".

Xã Nam Trung được biết đến là vùng trồng hành tập trung với năng suất và chất lượng vượt trội của huyện Nam Sách. Thế nhưng thương hiệu hành Nam Trung mới chỉ được gây dựng bằng việc truyền tai nhau giữa các tiểu thương trong, ngoài tỉnh mà chưa có căn cứ pháp lý chứng minh. Theo ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã, hành là cây trồng chủ lực, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà còn là động lực thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại trong xã phát triển theo. Khi có chương trình mỗi xã một sản phẩm, xã đã lựa chọn 2 nông sản lợi thế là cây hành và lúa chất lượng cao để thực hiện. Sau khi xem xét lại, xã xác định sẽ tập trung phát triển cây hành với mục tiêu tạo ra đột phá cho cây trồng lợi thế này. Nam Trung có khoảng 215ha trồng hành trong vụ đông. Để đáp ứng yêu cầu thị trường, qua từng năm, HTX đã tích cực đưa các giống hành mới vào đồng ruộng, đồng thời chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc phù hợp. Hiện nông dân Nam Trung đang mong chờ nhãn hiệu tập thể cho hành Nam Sách nói chung và của địa phương nói riêng để sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Chú trọng chất lượng

Nam Sách là một trong những địa phương phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Hơn thế, đây là huyện có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù cao. Nam Sách triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm sẽ không gặp nhiều khó khăn. Với lợi thế về đồng đất, huyện có hơn 2.600 ha lúa chất lượng cao, 1.400 ha hành tỏi tập trung, 900 ha rau màu. Các vùng trồng trọt đều được tiếp cận các kỹ thuật sản xuất tiên tiến để làm ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Cá lồng là nông sản đặc sản của huyện với số lượng lồng nuôi lớn nhất tỉnh. Ngoài ra, huyện cũng có lợi thế về các sản phẩm làng nghề lưu niệm, nội thất, trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn. Tuy vậy, Nam Sách vẫn thận trọng, cân nhắc khi xác định, lựa chọn sản phẩm để xây dựng trong giai đoạn đầu. 

Theo ông Võ Hồng Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách, quan điểm của huyện là chú trọng tới chất lượng bởi nếu chạy theo số lượng, làm dàn trải thì sẽ không thu được kết quả như mong muốn. Đến năm 2020, huyện chỉ định hướng xây dựng 5 sản phẩm, bao gồm gốm ở xã Thái Tân; cà rốt ở Thái Tân, Minh Tân, Cộng Hòa; hành là sản phẩm của 3 xã Nam Trung, An Bình, An Lâm; cá lồng phát triển ở các địa phương Nam Tân, Nam Hưng, An Bình, Thanh Quang, Cộng Hòa, Hiệp Cát, Thái Tân, Minh Tân và cà chua ở xã Quốc Tuấn. Huyện đặt mục tiêu sẽ xây dựng 3 sản phẩm là gốm, hành, cá lồng trở thành sản phẩm chủ lực cấp tỉnh.

Về lâu dài, địa phương nghiên cứu hình thành khu du lịch sinh thái kết nối các tiểu vùng sản xuất nông nghiệp với các di tích lịch sử. Đó là làng hoa Phù Liễn (Hồng Phong), gốm Chu Đậu (Thái Tân), cá lồng (Nam Tân), khu tưởng niệm Bác Hồ (Nam Chính), nơi thành lập Đảng bộ tỉnh (Hợp Tiến) và đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (Nam Tân). 

Sau khi xác định các sản phẩm tiêu biểu để tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện Nam Sách sẽ xây dựng lộ trình phát triển phù hợp cho từng sản phẩm gắn với điều kiện sản xuất của từng địa phương. Trong đó, ưu tiên đăng ký nhãn hiệu tập thể, tạo cơ sở hình thành các chuỗi liên kết để chủ động điều tiết cung cầu. Huyện kỳ vọng 5 sản phẩm trọng tâm này sẽ là tiền đề vững chắc cho việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm trong giai đoạn tiếp theo.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Sách định hướng phát triển mỗi xã một sản phẩm