Những năm qua, các cấp, các ngành và tổ chức đoàn thể huyện Nam Sách có nhiều hoạt động chăm lo đời sống người nghèo và cận nghèo.
Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Nguyễn Thị Sang đã đầu tư nuôi bò và cá, cải thiện đời sống
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương giảm nhanh và giúp nhiều người nghèo có nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.
Nhiều cách giúp đỡ
Mục tiêu của huyện Nam Sách là giảm nghèo bền vững, tránh tái nghèo và phát sinh các hộ nghèo mới. Phương châm của huyện là giúp hộ nghèo có "cần câu" chứ không cho "con cá". Vì thế, việc hỗ trợ vốn làm tư liệu sản xuất được huyện rất quan tâm. Hằng năm, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để có vốn cho người nghèo vay. Năm 2014, các đoàn thể của huyện đã tín chấp cho 1.699 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn với tổng số tiền gần 36 tỷ đồng. Các tổ chức hội còn xây dựng quỹ luân chuyển cho hội viên nghèo vay với số tiền hàng chục tỷ đồng. Các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ và lãi đúng hạn. Để hộ nghèo sử dụng vốn hiệu quả, các trung tâm dạy nghề của huyện, của tỉnh còn mở các lớp dạy nghề về trồng trọt, chăn nuôi nhằm trang bị kiến thức cơ bản cho họ. Một số hội viên nghèo do thiếu sức lao động hoặc nhận thức hạn chế còn được các tổ chức trực tiếp cử người kèm cặp, hướng dẫn. Năm 2014, huyện mở được 2 lớp dạy nghề và giới thiệu việc làm cho 250 người nghèo, cận nghèo. Đến cuối năm đã có 205 hộ thoát nghèo.
Do hoàn cảnh nghèo khó nên nhiều hộ phải sống trong những ngôi nhà tồi tàn ẩm thấp. Trong khi đó, bản thân họ không có điều kiện để làm nhà. Để giúp họ không phải chịu cảnh dột nát, hằng năm huyện Nam Sách có biện pháp xây mới hoặc hỗ trợ tiền sửa nhà cửa. Huyện giao cho các đoàn thể hỗ trợ kinh phí, vận động người thân trong gia đình giúp đỡ thêm. Năm 2014, tổ chức đoàn thể đã trợ giúp 460 triệu đồng cho 18 hộ xây nhà mới và hỗ trợ 50 triệu đồng cho 50 hộ sửa lại nhà.
Ngoài ra, huyện Nam Sách còn nhiều biện pháp giảm nghèo khác như cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% số nghèo và cận nghèo. Hằng năm, có trên 2.000 lượt người nghèo và cận nghèo được khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí với số tiền hàng trăm triệu đồng. Hằng tháng, các hộ nghèo đều được hỗ trợ tiền điện theo quy định... Với nhiều biện pháp như vậy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2014 còn 3,23%, giảm 1,9% so với năm 2013, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 3,45%.
Tuy nhiên, trong việc giảm nghèo và cận nghèo hiện nay, huyện Nam Sách đang gặp những khó khăn. ông Mạc Đức Hanh, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nam Sách cho biết: "Các hộ nghèo đều thuộc những gia đình neo người, không có sức lao động hoặc bị bệnh nặng. Vì thế, việc thực hiện giảm nghèo hiện nay rất khó khăn. Bởi lẽ, bản thân họ đã không có sức lao động thì mọi trợ giúp đều ít có ý nghĩa. Hoặc những gia đình có người bệnh nặng thì việc chữa bệnh cần những khoản tiền rất lớn. Để tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,23% vào cuối năm nay, ngoài việc thực hiện các chính sách hỗ trợ như trước đây, huyện còn giao chỉ tiêu cụ thể cho mỗi tổ chức đoàn thể, xã. Yêu cầu các đoàn thể, địa phương có biện pháp cụ thể hơn để giúp hội viên thoát nghèo".
Tiếp thêm nghị lực
Hoàn cảnh của gia đình chị Nguyễn Thị Sang ở thôn Nghĩa Dương (An Lâm) rất khó khăn. Chồng chị mất cách đây 8 năm do bị bệnh, người con đầu bị thiểu năng trí tuệ, con trai út có thân hình nhỏ bé, gầy gò hơn so với tuổi. Do nhiều năm chữa bệnh cho chồng và chăm sóc con ốm nên gia đình càng nghèo. Trước hoàn cảnh trên, cuối năm 2014, gia đình chị được Ngân hàng Chính sách và xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng. Có tiền, chị Sang mua 1 con bò sinh sản, kè lại bờ ao, mua cá giống về nuôi. Hiện nay, bò sắp đẻ, cá dưới ao cũng sắp được thu hoạch. Nếu việc chăn nuôi cứ thuận lợi như hiện nay thì chỉ vài tháng nữa là chị có tiền trả ngân hàng. Hằng tháng con trai lớn của chị Sang còn được nhà nước hỗ trợ 270.000 đồng và gia đình chị được hỗ trợ tiền điện. Những người thân trong gia đình cũng giúp đỡ mẹ con chị bằng cách cho vay tiền không lấy lãi để xây lại nhà. Chị Sang phấn khởi cho biết: "Trước đây, cuộc sống của tôi cùng cực, một mình phải chăm chồng ốm, con đau, nhà cửa dột nát. Nhưng hiện nay, tôi thường xuyên được các đoàn thể hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò và cá. Tôi còn được chi hội phụ nữ cho vay thêm tiền để mua cám cho cá. Ngoài được nhận trợ cấp hằng tháng, vào các ngày lễ, Tết, con trai tôi còn được nhận quà. Tôi rất cảm động trước sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể và người thân trong gia đình. Đây chính là động lực để giúp mẹ con tôi có nghị lực để vươn lên trong cuộc sống".
Khác với chị Sang, chị Nguyễn Thị Tám ở thôn Thượng Đáp lại được UBND xã Nam Hồng hỗ trợ tiền làm nhà. Chị Tám cho biết: "Chồng tôi mất từ lâu để lại 2 người con trai. Do hoàn cảnh khó khăn nên con trai út được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nhận nuôi ăn học, cháu ở trung tâm cuối tuần mới về. Từ ngày cháu lớn đi làm nên cuộc sống của chúng tôi đỡ vất vả hơn. Vừa rồi, lại được UBND xã hỗ trợ 20 triệu đồng nên mẹ con tôi quyết định làm nhà để có chỗ che mưa, che nắng. Các tổ chức đoàn thể cũng quan tâm đến giúp ngày công lao động..." .
Trên đây chỉ là 2 trong số hơn 2.000 hộ nghèo đang được hưởng sự giúp đỡ từ địa phương. Bên cạnh sự cố gắng của huyện, các hộ nghèo cũng cần chủ động trong việc tìm việc làm, tổ chức sản xuất, chăn nuôi... để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, tự mình vươn lên thoát nghèo. Có như vậy việc giảm nghèo của huyện Nam Sách sẽ không còn khó khăn và đạt được mục tiêu đề ra.
PV