Nam Phi dự kiến trở thành một trung tâm sản xuất phiên bản giá rẻ hơn của loại thuốc biệt dược CAP-LA có tác dụng ngăn ngừa HIV.
Động thái này sẽ mở cơ hội tiếp cận với loại thuốc biệt dược đắt đỏ này cho hàng triệu người trong khu vực mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chiếm gần 2/3 số ca nhiễm HIV mới trên toàn cầu.
Theo báo Anh Guardian ngày 18.5, thuốc cabotegravir tác dụng kéo dài (CAP-LA ) sẽ được Cipla Limited, một công ty dược phẩm đa quốc gia của Ấn Độ, sản xuất với phiên bản generic (thuốc bản sao), có giá phải chăng tại các nhà máy ở Benoni hoặc Durban.
Năm 2022, WHO đánh giá CAB-LA là lựa chọn phòng ngừa an toàn và hiệu quả cao cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao. Loại thuốc này ngăn chặn HIV xâm nhập vào tế bào, giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm và đã được nghiên cứu chứng minh là làm giảm khả năng nhiễm virus qua quan hệ tình dục.
Các nhà phát triển loại thuốc này, bao gồm Viiv Healthcare và tổ chức y tế công cộng Medicines Patent Pool (MPP) do Liên hợp quốc hậu thuẫn, cho biết các thỏa thuận cấp phép để sản xuất phiên bản thuốc generic đã được ký với các bên Aurobindo, Cipla và Viatris vào tháng 3 vừa qua.
Trong một tuyên bố trên trang web chính thức vào thời điểm đó, MPP cho biết các nhà sản xuất được chọn sẽ có thể phát triển và cung cấp các phiên bản thuốc generic ở 90 quốc gia.
Theo MPP, loại thuốc này được cung cấp dưới dạng tiêm 6 lần/năm và được bắt đầu bằng một mũi tiêm 600mgn (3ml), sau đó tiêm nhắc lại 1 tháng. Tuy nhiên, người điều trị phải có xét nghiệm HIV-1 âm tính trước khi tiếp nhận thuốc.
Hiện loại thuốc này được bán tại Mỹ với giá 3.500 USD/liều – mức giá quá cao so với những quốc gia có thu nhập thấp.
Theo giới quan sát, việc được cấp giấy phép sản xuất phiên bản generic của một loại biệt dược như CAP-LA chỉ là bước đầu tiên.
“CAB-LA là một dung dịch tiêm vô trùng với quy trình sản xuất rất phức tạp”, Kimberly Smith, trưởng bộ phận nghiên cứu của ViiV, nói với trang tin tức về sức khỏe Bhekisisa. Để tạo ra một phiên bản thuốc generic, các nhà sản xuất có thể mất tới 5 năm để ra mắt thuốc trên thị trường.
Tại châu Phi, chỉ có 38 quốc gia sẵn có các nhà sản xuất thuốc. Và thực tế dù các nhà sản xuất thuốc đó có hoạt động, thì họ cũng hiếm khi sản xuất thuốc ngay từ những quy trình đầu tiên.
Theo Báo tin tức