Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già

21/05/2016 09:22

Ngày 19-5-1949, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đang ở giai đoạn khó khăn và

Không đề

HỒ CHÍ MINH

Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta.
ác liệt nhất, mọi người vẫn nhớ đến ngày sinh của Bác Hồ và có ý định tổ chức chúc mừng Người. Vốn giản dị và khiêm nhường, việc gì không mang lại lợi ích cho dân Bác đều tìm cách từ chối. Đáp lại đề nghị tổ chức sinh nhật mình, Hồ Chủ tịch nhẹ nhàng làm bài thơ Không đề tặng cho đồng bào và chiến sĩ cả nước:

Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta.


Thành thật và giản dị, hai câu thơ mở đầu Bác nói rõ nguyên nhân để mọi người được yên lòng về sự không đồng tình tổ chức mừng sinh nhật Bác. Đi thẳng vào sự việc, Người nêu nguyên nhân hết sức chính đáng trong hoàn cảnh kháng chiến lúc này bằng thể thơ bảy chữ tự nhiên vốn thuộc sở trường của Bác:

Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.


Vì đất nước đang đánh giặc, khó khăn chồng chất khó khăn, toàn dân đang phải đồng sức đồng lòng, góp công góp của đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập. "Chưa nghĩ đến nhà" là thái độ dứt khoát khước từ những gì mang đến lợi ích cho cá nhân mình. Mình không vì cá nhân, dù đó là ngày trọng đại của cuộc đời, ngày mẹ cha sinh thành ra Bác. Thẳng thắng mà vẫn không làm tổn thương người khác, không làm ảnh hưởng đến tình cảm của đồng chí và nhân dân đã quan tâm, chia sẻ niềm vui sinh nhật. Khéo léo và tinh tế, câu thơ thứ hai chuyển sang một chút hóm hỉnh, tươi vui, gợi mở thái độ lạc quan của Bác trước tuổi tác của mình để mọi người yên tâm về cái sự ngày rộng tháng dài đang còn phía trước: "Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già". Người xưa quan niệm: "Ngũ thập tri thiên mệnh" (Năm mươi tuổi thì biết được mệnh trời), nghĩa là người năm mươi tuổi đã bước sang lão, mọi sự của đất trời và bản thân dường như đã tường tận, thấu hiểu. Lúc này, Hồ Chủ tịch đã bước sang tuổi năm mươi chín, nghĩa là vượt gần mười năm so với tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh" kia. Vậy mà cứ như không, lòng Bác cơ hồ chưa thấy gì về sự vướng bận của tuổi già. "Vẫn chưa già" vừa là lời khẳng định, vừa là nêu nguyên nhân để Người từ chối khéo việc nhân dân tổ chức mừng mình bước sang tuổi mới.

Làm thơ đáp lại tấm lòng ân nghĩa của nhân dân và đồng chí, nhưng tâm hồn và tư tưởng của Bác bao giờ cũng hướng đến động viên, cổ vũ nhân dân và chiến sĩ quyết tâm đuổi giặc cứu nước. Nhờ thế, từ thơ mừng sinh nhật, Người đã khéo léo chuyển sang thơ kêu gọi đồng bào kháng chiến một cách tự nhiên, thổi vào đó cả ước mơ và hy vọng của một dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục, quả là một sự tài hoa hiếm có:

Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta.


Cấu trúc hai câu thơ Bác nêu rất rõ quan hệ nhân quả qua cặp từ "Chờ cho... sẽ..." như khẳng định một niềm tin tất thắng, một tương lai xán lạn của đất nước rồi sẽ đến vào một ngày không xa nữa. Đến ngày đất nước thành công, việc mừng sinh nhật Bác là điều không có gì phải bàn nữa, niềm vui ấy sẽ chan hòa với niềm vui chung của đất nước càng tốt hơn nhiều. Cũng sau ngày 19-5-1949 ấy, Bác gửi thư cảm ơn các tầng lớp nhân dân đã mừng thọ và hẹn: "...đến ngày toàn quốc ăn mừng hoàn toàn thắng lợi, trong cuộc kỷ niệm to ấy, tôi sẽ vui vẻ tiếp đồng bào và chiến sĩ, kèm theo một kỷ niệm nhỏ là ngày sinh nhật của tôi". Riêng từ "bạn" ở câu thơ cuối bài, Bác dùng với hàm ý thân mật, không có gì phải khách khí, như một lời tâm tình, sẻ chia thủ thỉ và đầy trách nhiệm trước mọi người. Sự vĩ đại từ những điều bình dị chính là nét độc đáo trong nhân cách của Hồ Chủ tịch. Cách xưng hô trong câu thơ này cũng là minh chứng hùng hồn cho phong thái đó của Bác.

Cảm hứng bài thơ đi từ chuyện ngoài thơ, đúng hơn là một sự đáp lễ tự nhiên, giản dị thoát ra từ một tâm hồn nhạy cảm với chuyện người, chuyện đời rồi mới đến chuyện nước non rộng lớn. Bốn câu thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, dễ hiểu mà khơi gợi cho người đọc những hiểu biết sâu sắc về tâm hồn và nhân cách sáng ngời của Bác. Dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, với tư cách là người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, Bác luôn bộc lộ một tư tưởng nhất quán: Tất cả đều hướng về vận mệnh Tổ quốc, quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm bằng một niềm yêu đời và lạc quan mẫn tiệp.

LÊ VĂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già