Sau khi học sinh đi học, ngoài việc dạy kiến thức, nhà trường phải mất thời gian rà soát kết quả học từ xa, điều chỉnh nội dung, kế hoạch dạy cho hợp lý.
Thạc sĩ Phan Thế Hoài, giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa, TP Hồ Chí Minh, đưa ra năm khó khăn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm công bố phương án thi.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 ngày 10.4, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết nếu dịch được kiểm soát, học sinh đi học chậm nhất trước ngày 15.6 thì kỳ thi THPT quốc gia vẫn diễn ra vào 8-11.8. Nhưng nếu đi học chậm hơn, học sinh tiếp tục học trực tuyến thì bộ sẽ báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có phương án thi phù hợp.
Với tính toán của bộ, học sinh lớp 12 vẫn còn 3 tuần ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, tính từ thời điểm kết thúc năm học 15.7. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo muộn công bố phương án thi THPT quốc gia thì nhà trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch năm học và tổ chức ôn thi.
Thứ nhất, sau khi học sinh đi học trở lại, song song với việc dạy kiến thức, nhà trường phải mất nhiều thời gian để triển khai các công việc có liên quan. Đó là rà soát việc dạy học online, học qua truyền hình thế nào (số học sinh tham gia, mức độ tiếp thu bài...) để từ đó điều chỉnh nội dung và kế hoạch dạy học cho hợp lý.
Cho dù nhà trường đã dạy học online, học qua truyền hình, mức độ tiếp thu bài của học sinh cũng còn hạn chế vì thiếu tương tác hai chiều giữa người dạy và người học. Hơn nữa, quá trình dạy như thế còn mang tính đại trà, chưa phân hóa được từng nhóm đối tượng và thiếu kiểm tra nên mức độ tiếp thu bài của học sinh giảm đi nhiều. Ngoài ra, vẫn tồn tại một bộ phận học sinh thiếu điều kiện và phương tiện học tập (máy tính, điện thoại thông minh...) nên việc học bị gián đoạn. Vì thế khi mở trường, giáo viên phải dạy lại chương trình của học kỳ hai.
Thứ hai, theo rà soát chương trình, khối lượng kiến thức phải dạy ở các môn học lớp 12 nhiều nhất là 11 tuần, môn ít nhất cần 4 tuần. Nếu học sinh trở lại lớp từ tháng 5, nhà trường vẫn còn thời gian để dạy học. Tuy nhiên, giả sử sau 15.6 mới đi học trở lại thì việc kết thúc chương trình sẽ rất khó khăn.
Cụ thể, học sinh lớp 12 sẽ thiếu khoảng 8 tuần để học hết chương trình môn toán, ngoại ngữ. Đây là hai môn thi trắc nghiệm nên học sinh phải học theo chiều rộng thì mới có thể làm được bài thi theo các mức độ phân hóa của đề từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp đến vận dụng cao.
Chưa kể, nhà trường còn phải tổ chức kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và hoàn tất điểm. Những môn bố trí nhiều tiết như toán, ngữ văn, ngoại ngữ sau khi giảm tải nội dung thì vẫn phải kiểm tra ít nhất 2 cột điểm hệ số 1 và hệ số 2. Mất thêm một tuần để kiểm tra học kỳ II, một tuần chấm bài, vào điểm thì giáo viên không còn thời gian cho việc dạy học trên lớp.
Thứ ba, để ôn tập hiệu quả, tổ chuyên môn cũng cần thêm thời gian xây dựng đề luyện tập sao cho sát với đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mỗi tổ phải ra khoảng 10 đề mẫu cho 5 bài thi thì giáo viên mới có tài liệu hướng dẫn học sinh luyện đề cho quen dần.
Nếu học sinh đi học lại từ đầu tháng 6 thì còn khoảng 5 tuần ôn thi. Khoảng thời gian ít ỏi này, học sinh phải ôn tập chương trình học kỳ I, kỳ II cho 3 bài thi bắt buộc và một bài thi tự chọn (6 môn) là rất cập rập.
Riêng học sinh trường tư thục, vùng xa, mức độ tiếp thu bài của các em cũng rất hạn chế, nên ngoài thời gian ôn tập, giáo viên còn phải dò bài thêm. Như thế, không loại trừ khả năng nhà trường phải tăng tiết hoặc học thêm ngày thứ bảy, chủ nhật, như thế sẽ gây áp lực cho học sinh.
Thứ tư, tình huống học sinh đi học chậm nhất ngày 15.6 thì có thể bộ sẽ giảm hai tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Nếu bộ công bố phương án thi sớm, học sinh bớt được 6 môn, chỉ tập trung vào 3 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) sẽ giúp việc ôn tập nhẹ nhàng hơn.
Cho dù chỉ ôn tập 3 môn, với thời gian ít ỏi như vậy, học sinh cũng còn đó không ít khó khăn. Chẳng hạn môn ngữ văn học kỳ I có những bài khá dài như "Tây Tiến" (Quang Dũng), "Việt Bắc" (Tố Hữu), "Đất nước" (Nguyễn Khoa Điềm), "Vợ chồng A Phủ" (Tô Hoài)... cũng phải mất cả tháng để ôn tập nếu một tuần học 5 tiết.
Thứ năm, nhiều năm qua, kỳ thi THPT quốc gia chỉ nhằm xét tốt nghiệp phổ thông nhưng đa phần các trường đại học vẫn dựa vào kết quả này để xét tuyển. Nếu năm nay vì dịch bệnh kéo dài không thể tổ chức được kỳ thi thì Bộ cũng nên có những hướng dẫn chi tiết để các trường đại học chủ động trong tuyển sinh.
Ví dụ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thông báo, ngoài xét tuyển dựa trên kết quả THPT quốc gia và xét tuyển thẳng, năm nay trường còn tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Kỳ thi tuyển sinh này được thực hiện song song, độc lập với các phương thức còn lại. Hoặc nhiều trường đại học ở phía Nam cũng đang tính đến chuyện lấy kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh để xét tuyển nếu bộ không tổ chức thi THPT quốc gia.
Hiện nay dịch bệnh Covid-19 ở trên thế giới và Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vì thế thời gian mở trường trở lại cũng chưa thể một sớm một chiều. Vì thế Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm công bố phương án thi THPT quốc gia để trường THPT có kế hoạch dạy học cho phù hợp và trường đại học không bị động, lúng túng trong việc tuyển sinh năm nay.
Mỗi năm học có 35-37 tuần, nhưng năm nay 22 triệu học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19. Hiện, 40 tỉnh thành cho học sinh nghỉ đến khi có thông báo mới, số còn lại cho nghỉ đến giữa tháng 4. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh khung thời gian năm học.
Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15.7, thi THPT quốc gia ngày 8-11.8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử học sinh cả nước nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cắt giảm chương trình học. Hôm 3.4, bộ đã công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia theo chương trình tinh giản.
Theo VnExpress