Nam Hưng phát triển làng nghề

05/07/2015 05:32

Vài năm trở lại đây, người dân xã Nam Hưng (Nam Sách) chú trọng phát triển các làng nghề tập trung, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.



Mỗi năm, nghề mộc đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho gia đình anh Đồng Văn Hảo ở thôn Ngô Đồng


Phát triển nghề cũ


Nam Hưng là một trong những xã có số lượng làng nghề, mô hình kinh tế đứng đầu huyện Nam Sách. Cả xã chỉ có 3 thôn là Trần Xá, Linh Xá và Ngô Đồng nhưng có tới 5 mô hình kinh tế gắn với 5 nghề khác nhau. Nhiều nghề đã phát triển từ lâu như  nuôi tằm, nghề mộc, vận tải đường thủy vẫn đang phát huy hiệu quả.

Ông Mạc Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Việc phát triển các làng nghề và chuyển đổi mô hình kinh tế của xã diễn ra cách đây khoảng 7 năm. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây có xu hướng chuyển đổi nhanh và mạnh hơn. Các mô hình kinh tế làng nghề của xã đang hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều người, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển”.

Thời điểm này, khoảng 140 hộ nuôi tằm của thôn Trần Xá vừa bán lứa kén trước, vừa chăm sóc cho lứa tiếp theo. Thoăn thoắt thái lá dâu cho 2 vòng tằm ăn, chị Đoàn Thị Nga cho biết: "Trước khi nghề nuôi tằm phát triển, kinh tế của các hộ dân trong thôn chủ yếu trông chờ vào 2 vụ lúa. Từ cuối những năm 2000, nghề nuôi tằm ở thôn Trần Xá phát triển mạnh. Mỗi năm, gia đình tôi nuôi từ 7-9 lứa tằm, mỗi lần nuôi từ 2 - 3 vòng. Mặc dù nuôi tằm khá vất vả vì tốn công chăm sóc, cho tằm ăn nhưng thu nhập cao hơn cấy lúa nhiều". Sau khoảng 25 ngày chăm sóc thì tằm được bán. Mỗi vòng tằm sẽ cho thu từ 15-20 kg kén, với giá bán từ 70.000-80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người dân thu lãi trên 40 triệu đồng/năm.

Ở thôn Ngô Đồng, những tiếng máy cưa, máy bào rè rè, tiếng lạch cạch đục đẽo của người thợ luôn vang động khắp xóm. Thôn có hơn 500 người theo nghề mộc, chiếm trên 50% số lao động trong thôn. Theo thống kê của UBND xã, 70% thu nhập của người dân trong thôn chủ yếu từ nghề mộc. Anh Đồng Văn Hảo, chủ một xưởng sản xuất đồ gỗ gia dụng cho biết xưởng sản xuất đồ gỗ của gia đình chủ yếu sản xuất cửa, cầu thang, tủ để bán đi các nơi. Mỗi năm, nghề mộc đem lại lợi nhuận cả trăm triệu đồng cho gia đình anh.

Bên cạnh một số làng nghề, xã Nam Hưng còn có những mô hình kinh tế chuyên canh tập trung ở thôn Linh Xá. Với 1.300 nhân khẩu, diện tích đất canh tác bình quân đầu người chưa đầy 360 m2 nhưng thôn Linh Xá đã quy hoạch được khoảng 48 mẫu để chuyên canh rau màu, chủ yếu là dưa hấu và những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, người dân còn phát triển mô hình kinh tế trang trại, thả cá và chăn nuôi. Trong thôn có 12 hộ nuôi từ 50 -150 con lợn, 20 hộ thả cá, kết hợp mô hình VAC với diện tích lớn. Từ quy hoạch vùng chuyên canh và phát triển kinh tế trang trại như hiện nay, thu nhập của người dân đã tăng gấp 2-3 lần so với trước.  

Thêm nghề mới

Bên cạnh những nghề đã phát triển từ lâu, xã Nam Hưng còn tập trung phát triển nhiều nghề mới đạt giá trị kinh tế cao. Nghề truyền thống buôn bán trâu bò của người dân thôn Trần Xá đang được thay bằng nghề nuôi trâu bò vỗ béo. Sau khi mua trâu bò từ nơi khác về, người dân chăm sóc và vỗ béo từ 2-3 tháng thì đem bán cho các lò mổ ở các huyện trong tỉnh. Trong thôn có từ 60-70 hộ chuyên vỗ béo trâu bò. Mỗi gia đình nuôi từ 5-7 con, nhiều hộ nuôi vài chục con. Với cách làm này, nhiều hộ dân thu lãi từ 300-400 triệu đồng mỗi năm.

Trước đây, sau khi thu hoạch ngô, người dân phải chặt cây và tìm nơi vứt bỏ nhưng từ khi nghề nuôi trâu bò vỗ béo xuất hiện, toàn bộ thân ngô được các hộ chăn nuôi thu mua giúp bà con với giá từ 100.000 -150.000 đồng/sào.

Ông Mạc Văn Hải ở thôn Trần Xá đang nuôi 5 con trâu và dự kiến sẽ mua thêm 20 con trâu bò về vỗ béo cho biết: "Người dân lo sợ việc ô nhiễm môi trường do chất thải từ trâu bò nhưng các hộ nuôi đã liên kết với một công ty ở Bắc Giang chuyên thu mua chất thải để làm phân hữu cơ. Sau khi các hộ chăn nuôi gom đủ chuyến, xe của công ty này sẽ về thu mua với giá 10.000 đồng/bao. Việc làm này vừa giúp phát triển kinh tế mà vẫn bảo đảm tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới".
Xác định phát triển làng nghề, ngành nghề là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn, chính quyền xã Nam Hưng đã ưu tiên, tạo điều kiện vay vốn, khuyến khích người dân phát triển nghề.

Ông Mạc Văn Hùng cho biết thêm: "Việc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển các làng nghề góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Hiện nay, các mô hình kinh tế làng nghề đóng góp 70% cho ngân sách địa phương. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của xã Nam Hưng đạt 10,6 triệu đồng/năm thì đến năm 2014 còn số này đã tăng lên 23 triệu đồng".

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Hưng phát triển làng nghề