Năm Hợi, thăm trại lợn hiện đại nhất Hải Dương

07/02/2019 13:13

Nhiều năm gắn bó với ngành chăn nuôi lợn nên anh Nguyễn Đắc Viêm (sinh năm 1979, ở xã Cẩm Định, Cẩm Giàng) luôn ấp ủ dự định sẽ gây dựng mô hình nuôi lợn khép kín chuyên nghiệp.

Anh Viêm áp dụng công nghệ thông tin để theo dõi chặt chẽ quá trình sinh trưởng của đàn lợn

Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, anh đã trở thành người sở hữu trang trại nuôi lợn được đánh giá là hiện đại nhất Hải Dương.

Sản xuất lợn giống bố mẹ quy mô "khủng"

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, anh Viêm về làm cho một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hải Dương. “Chứng kiến nhiều hộ phá sản vì nuôi lợn, tôi không cam lòng bởi thất bại trong nuôi lợn đa phần là do chủ quan, người chăn nuôi lệ thuộc quá nhiều các yếu tố bên ngoài mà thiếu chủ động trong sản xuất”, anh Viêm chia sẻ.

Gạt bỏ lời khuyên từ người thân, bạn bè vì đang có công việc ổn định, thu nhập khá, năm 2012, anh Viêm quyết định bỏ việc, vay mượn 700 triệu đồng để thành lập công ty kinh doanh con giống.

Thay vì nuôi lợn nái để bán lợn con, anh Viêm gây giống từ đời ông bà, chọn ra lợn bố mẹ, phục vụ nhu cầu tự sản xuất con giống của các trang trại lớn. Bắt tay vào thực hiện, anh Viêm thuê gần 6 ha đất đồng chua trũng, tách biệt với khu dân cư ở thôn Phú Quân, xã Cẩm Định để xây dựng trang trại. Vừa làm, vừa học hỏi để tự rút kinh nghiệm nên những trở ngại trong quá trình sản xuất cũng bớt dần. Thành quả hiện tại của anh chính là trang trại, cơ sở sản xuất lợn giống bố mẹ lớn nhất Hải Dương. Ngoài đáp ứng khoảng 40% lượng con giống bố mẹ cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh, anh Viêm còn là bạn hàng tin cậy của nhiều chủ trang trại ở các tỉnh, thành phố lớn phía Bắc. Với 400 con lợn giống ông bà nhập khẩu từ các nước Mỹ, Bỉ, Canada, Đan Mạch… mỗi tháng anh Viêm cung cấp khoảng 250 con lợn nái và 400 con lợn thương phẩm.

Ngoài ra, anh Viêm còn xây dựng xưởng sản xuất thiết bị chăn nuôi tại thôn Quý Dương, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) để tư vấn, lắp đặt vật dụng chăn nuôi phù hợp với quy mô và điều kiện của từng trang trại. Công ty CP Giống và thiết bị chăn nuôi Hưng Huy do anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cho lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm đã ra đời từ đây. Trong năm 2019, anh Viêm dự định sẽ nhập thêm 500 con lợn giống ông bà nhằm đáp ứng nhu cầu về con giống của người dân. 

Gắn chip để theo dõi từng con lợn giống

Công nhân chăm sóc đàn lợn phải sát khuẩn hằng ngày và tuyệt đối không được ra ngoài trong thời gian làm việc

Là cơ sở sản xuất lợn giống bố mẹ và nuôi lợn thương phẩm đạt chuẩn VietGAP nên để được tận mắt chứng kiến quy trình chăn nuôi tại trang trại của anh Viêm không hề đơn giản. Khách hàng vào mua bán, giao dịch phải sát khuẩn từ cổng, còn nếu muốn thăm chuồng trại thì phải ở lại ít nhất 2 ngày trong khu khử khuẩn để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đàn lợn. Công nhân làm nhiệm vụ chăm sóc, vệ sinh phải sát khuẩn trước khi vào chuồng nuôi và không được ra ngoài trong thời gian làm việc. Theo anh Viêm, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về khử trùng sẽ kiểm soát được dịch bệnh, giảm được rủi ro trong quá trình chăn nuôi.

Không chỉ khắt khe về kỹ thuật chăn nuôi, trang trại của anh Viêm còn đi đầu ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Toàn bộ lợn giống đều được gắn chip nhằm xác định thể trạng của từng con, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong chế độ ăn uống, sinh hoạt. Chip cũng giúp phát hiện bệnh dịch nhanh chóng, giúp các kỹ sư xử lý kịp thời, tránh được thiệt hại không đáng có. Khâu cho lợn ăn và vệ sinh chuồng trại cũng hoàn toàn tự động. Lượng thức ăn được tính toán phù hợp với trọng lượng từng con để không lãng phí. Quá trình sinh trưởng, phát triển của lợn sẽ được lưu giữ trong hệ thống camera giám sát được lắp đặt xung quanh chuồng trại.

Cuộc khủng hoảng thừa năm 2016 càng thôi thúc anh phải khép kín chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Sau nhiều lần cân nhắc, anh Viêm đã xây dựng cơ sở chế biến thịt lợn tại thôn Chùa, xã Cẩm Định. "Dù mới triển khai song tôi rất có niềm tin vào mô hình này. Tất cả các khâu đều được thực hiện đồng bộ, không có sai sót. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng đây chính là tương lai của ngành chăn nuôi lợn. Vì vậy, tôi quyết tâm không bỏ cuộc mà sẽ làm tới cùng", anh Viêm khẳng định.

Bà Phạm Thị Đào, quyền Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận xét: "Hiện nay, trang trại nuôi lợn của anh Viêm là cơ sở hiện đại, thông minh và quy củ nhất Hải Dương. Những trang trại như thế này sẽ tạo nền tảng để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định, bền vững".

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm Hợi, thăm trại lợn hiện đại nhất Hải Dương