Năm học mới, nỗi lo cũ

11/09/2016 07:32

Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, nhất là bậc học mầm non ở nhiều nơi trong tỉnh vừa thiếu, vừa yếu, không đáp ứng được yêu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục.




Học sinh Trường Tiểu học Phượng Kỳ (Tứ Kỳ) phải học tập tại điểm trường thôn Tứ Kỳ Hạ đã xuống cấp nặng

Trong khi các trường phải loay hoay bố trí phòng làm việc, phòng học cho cán bộ, giáo viên và học sinh thì nhiều địa phương cũng đang lâm vào cảnh bế tắc, chưa biết tháo gỡ khó khăn ra sao. Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nay.

Thiếu nhiều phòng học

2 năm nay, tuy không còn phải học ở khu nhà tang lễ thôn Mậu Duyệt nhưng gần 40 học sinh Trường Mầm non xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) vẫn phải chuyển sang học nhờ tại đình làng của thôn do thiếu phòng. Hơn 20 năm qua, nhà trường vẫn chỉ có 4 phòng học chính, còn lại phải sử dụng 6 điểm học nhờ tại nhà văn hoá, đình làng các thôn. Điểm trường thôn Ô Mễ có 4 phòng học nhờ nhà văn hóa, 3 trong số đó chỉ rộng hơn 20 m2/phòng. Mỗi khi thôn tổ chức họp, cô và trò phải ra ngoài sân. Cô giáo Phùng Thị Chín, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Số trẻ huy động đến lớp ngày một đông. Do thiếu phòng học nên việc triển khai các hoạt động của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải vất vả xoay xở thì mới mượn đủ phòng cho trẻ được theo học theo đúng độ tuổi”. Phòng học thiếu và xuống cấp ảnh hưởng lớn tới chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Trường Mầm non xã Nghĩa An có hệ thống cơ sở vật chất phân tán, xuống cấp và yếu kém nhất huyện Ninh Giang. Hàng chục cán bộ, giáo viên cùng hơn 1.000 học sinh ở đây vẫn đang phải giảng dạy, học tập tại 9 điểm lẻ ở 5 thôn. Riêng Ban Giám hiệu và bộ phận kế toán phải mượn một phòng của UBND xã để làm việc. 9 điểm trường lẻ hầu hết là nhà cấp 4, được xây dựng cách đây nhiều năm, diện tích hẹp, tường bị nứt, rêu bám, thấm nước, mái bị dột, nền nhà bong tróc... không bảo đảm yêu cầu. Trong đó, điểm trường thôn Phù Lịch thực chất là một nhà kho cũ do HTX để lại, còn học sinh ở thôn Trịnh Xuyên phải học nhờ tại đình làng. Hầu hết các điểm trường không có nhà vệ sinh hoặc chỉ được bố trí tạm bợ. Bếp ăn bán trú xây dựng sơ sài, đặt ở một điểm trường gần trung tâm xã, cách các điểm trường còn lại từ 2-4 km. Đến giờ ăn trưa và bữa chiều, các cô nuôi của trường phải di chuyển hàng chục km để đi chia cơm, cháo... cho học sinh tại các điểm lẻ. "Một lớp học có diện tích 45m2 mà phải chứa tới 65-71 học sinh thì các cháu chỉ có chỗ ngồi chứ lấy đâu ra diện tích để tổ chức hoạt động vui chơi. Đó là chưa kể đến các trang thiết bị giảng dạy cũng thiếu thốn trăm bề. Hơn 100 phụ huynh không yên tâm gửi con ở chỗ chúng tôi đã gửi sang trường mầm non ở thị trấn Tứ Kỳ và những xã lân cận", bà Lưu Thị Diệp, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa An than thở.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Giang, năm học này, ngoại trừ cơ sở vật chất của bậc tiểu học và THCS đã cơ bản bảo đảm yêu cầu, còn lại bậc học mầm non vẫn đang gặp nhiều khó khăn. 7 trong tổng số 28 trường mầm non của huyện hiện vẫn chưa xây dựng được trường theo quy mô tập trung, giáo viên và học sinh phải giảng dạy, học tập tại nhiều điểm lẻ với hệ thống phòng học, trang thiết bị xuống cấp, thiếu thốn, ảnh hưởng lớn tới chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Tình trạng thiếu phòng học cũng xảy ra ở nhiều nơi khác. Huyện Tứ Kỳ thiếu 75 phòng học và 65 phòng làm việc cho cán bộ, giáo viên bậc mầm non. Huyện Gia Lộc thiếu 52 phòng học bậc mầm non, 39 phòng bậc tiểu học, một số phòng học không đủ diện tích theo quy định. Thị xã Chí Linh thiếu 26 phòng học, huyện Cẩm Giàng thiếu 33 phòng học ở 2 bậc mầm non và tiểu học...

Giải pháp tình thế

Số lượng học sinh ngày càng tăng trong khi hệ thống cơ sở trường lớp ở nhiều nơi vẫn thiếu và yếu khiến chính quyền địa phương cũng như các nhà trường chưa biết xoay xở ra sao. Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết để xây dựng điểm trường tập trung địa phương cần 30 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu tính cả kinh phí tỉnh hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cộng với số tiền thu được từ việc bán đấu giá quyền sử dụng khu đất từ quốc lộ 37 vào đường làng Trịnh Xuyên thì cũng chỉ thu được khoảng 9 tỷ đồng. Có huy động thêm các nguồn lực khác cũng vẫn thiếu nhiều. Xây dựng điểm trường tập trung theo quy mô toàn xã là nhiệm vụ bất khả thi trong giai đoạn hiện nay. Bởi vậy, để khắc phục tình trạng cơ sở vật chất trường mầm non bị xuống cấp, xã chỉ cố gắng dồn 9 điểm lẻ về thành 3 điểm trường tập trung. Bố trí kinh phí xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất để cán bộ, giáo viên và học sinh trường mầm non có đủ phòng làm việc và phòng học. Phấn đấu đến hết quý 4 năm nay, xã sẽ xây dựng được khu nhà 2 tầng, 6 phòng cho học sinh lớp 3, 4, 5 của khu Đa Nghi và Do Nghĩa.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, hằng năm, nguồn ngân sách dự phòng ít ỏi của huyện chỉ giúp được một số nhà trường sửa sang lại cơ sở vật chất trường lớp cho bảo đảm an toàn. Nhưng việc này như "muối bỏ bể" vì có quá nhiều trường cơ sở hạ tầng bị xuống cấp cùng lúc. Mong tỉnh tăng cường hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn này. Riêng UBND huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các xã, thị trấn xử lý đất dôi dư, đất xen kẹp, có thêm kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở các trường học.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Ninh Giang cho hay việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp hiện nay ở các xã phần lớn phụ thuộc vào kinh phí hỗ trợ từ tỉnh và số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất hoặc xử lý đất dôi dư, đất xen kẹp... Nếu không có những nguồn này thì e rằng khó có thể triển khai. 

Cơ sở vật chất giáo dục ở nhiều nơi đã và đang bị xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giáo dục của các nhà trường. Vấn đề này sẽ dần được tháo gỡ nếu cả xã hội cùng chung tay huy động các nguồn lực đầu tư.

TIẾN MẠNH - ĐỨC TÂM


(0) Bình luận
Năm học mới, nỗi lo cũ