Trước thềm năm học mới 2022 - 2023, bên cạnh niềm vui háo hức đến trường của các em học sinh, các bậc phụ huynh lại đang "chóng mặt" với việc chuẩn bị mua các loại sách giáo khoa, đồng phục…
Phụ huynh mua sách tại một nhà sách lớn trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Ảnh: Thu Trang.
Chật vật mua sách giáo khoa
Hầu hết những nhà sách lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh những ngày này luôn tấp nập phụ huynh đến mua sách giáo khoa (SGK), nhưng qua tìm hiểu, nhiều phụ huỵnh tỏ ra lúng túng trong việc lựa chọn SGK theo yêu cầu của các nhà trường.
Chị T.N (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị đã dành 4 ngày để tìm mua mới đủ được các loại SGK cho con vào học lớp 1. Theo hướng dẫn của nhà trường, chị tìm đến hiệu sách gần nhà, nhưng không có đủ các đầu sách cần có.
Tại nhà sách lớn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trên đường Lý Thường Kiệt, chị M.H (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng “căng mắt” tìm cho đủ bộ sách theo yêu cầu của trường cho con đi học. Chị M.H chia sẻ, chị đã đến hiệu sách này 2 lần sau khi đi tìm tại 3 hiệu sách khác, nhưng vẫn chưa mua được đủ sách cho con gái học lớp 3. Con chị học theo bộ sách Cánh Diều, nhưng chị đi tìm ở các hiệu sách, nơi có quyển này lại thiếu quyển khác...
Một nhân viên tại hiệu sách cho biết, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, mỗi khối lớp thường có tối thiểu 2 - 3 loại SGK khác nhau và mỗi trường lại chọn các loại sách khác nhau, nên hiện nay, phụ huynh, học sinh khi mua sách khá vất vả chọn lựa.
Tương tự, tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc (ở phường Tăng Nhơn Phú, TP Thủ Đức) cho hay, một bộ sách lớp 3 trong trường bán gồm vở bài tập các môn, sách tiếng Anh và bìa ni lông nhãn dán là 598.000 đồng. Trong khi đó ở nhà sách, một bộ sách lớp 3 chỉ khoảng gần 300.000 đồng... Nhà trường cũng bán sách bằng với giá niêm yết trên sách, nhưng nếu mua ở nhà sách thì có thể có chương rình khuyến mãi, nên được giảm giá. Song, mua ở ngoài phải đến 2 -3 nhà sách mới đủ bộ...
Nhiều phụ huynh phản ánh với phóng viên, trước việc lựa chọn SGK năm nay khá vất vả, nhiều người đã “săn sale” trên các kênh bán hàng lớn để giảm chi phí, thời gian và nhận được ưu đãi tốt. Chỉ riêng tiền sách vở và đồ dùng học tập, nhiều gia đình đã tốn hơn 3 triệu đồng/học sinh, chưa kể tiền quần áo, giầy dép...
Phụ huynh mua đồ dùng học tập một hiệu sách ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đan Phương.
Phụ huynh "đau đầu" cân đối chi phí
Chuẩn bị vào năm học mới, nhiều bậc phụ huynh lại lo lắng bởi những khoản đóng góp cho con em mình. Dù chỉ có một con cô gái đi học nhưng mỗi năm vào đến thời điểm năm học mới hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Đức, Thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) lại phải xoay xở với các khoản tiền sách vở, các khoản tiền đóng. Anh Nguyễn Văn Đức cho biết, tổng mua sắm trong trường đến nay là 1,2 triệu đồng. Để tiết kiệm, anh cho con dùng lại cặp sách cũ và đồ thể dục của năm trước.
“Vào năm học mới cũng muốn con có được bộ quần áo mới, hay cặp sách mới nhưng với mức lương của bảo vệ chỉ 6 triệu đồng/tháng còn vợ tôi làm công nhân thì cũng không cao, tiền nhà trọ đã 3 triệu đồng/ tháng nên các khoản mua sắm tiết kiệm được gì thì phải tiết kiệm”, anh Đức chia sẻ.
Còn anh T.N (Hà Nội) thì đau đầu vì chi phí đồng phục cho con, anh T.N cho biết, nhà anhcó2conđanghọccấp1và cấp 2 trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội), riêng tiền đồng phục cho hai con đã mất hơn 3 triệu đồng, nếu cộng cả tiền sách vở, đồ dùng học tập đã “mất toi” gần tháng lương của anh. “Hai vợ chồng tôi đều là cán bộ nhân viên bình thường, mức thu nhập trung bình, nên mỗi khi vào đầu năm học mới, để lo cho 2 con,vợ chồng tôi thấy khá “hụt hơi” vì ngoài tiền mua sắm sách vở, đồ dùng, đồng phục còn phải đóng học phí...”, anh T.N cho hay.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn vừa ký ban hành chỉ thị nghiêm cấm cán bộ, giáo viên vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới mọi hình thức; đồng thời, yêu cầu giám đốc các sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương quán triệt chỉ thị và tuyên truyền đến từng cán bộ, giáo viên, học sinh bảo quản SGK để tái sử dụng lại lâu dài.
Bên cạnh đó, các nhà trường không được vận động học sinh hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt; không lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh mua sử dụng.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, cho học sinh mượn sách học tập, vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện, để học sinh các lớp sau sử dụng.
Thời gian qua trên thị trường, SGK liên tục tăng giá, khiến các bậc phụ huynh càng thêm gánh nặng trước thềm năm học mới, trong khi không ít nhà xuất bản, đơn vị biên soạn, phát hành SGK công bố lợi nhuận khá cao. Trước thực tế này, năm học 2022 – 2023, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ GD&ĐT tiếp nhận kê khai giá SGK và có văn bản đề nghị các đơn vị rà soát, triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí: Quản lý, quảng bá sách... để kiểm soát lạm phát, chia sẻ với người tiêu dùng. Đến nay, Bộ Tài chính đã kê khai điều chỉnh giảm giá SGK, với mức giảm từ 5 - 15% tùy từng đầu sách.
Theo báo Tin tức