Du lịch

Năm đón khách siêu giàu của du lịch Việt

HQ (theo VnExpress) 27/12/2024 08:30

Các tỷ phú từ Mỹ, Ấn Độ đến Việt Nam ngày càng nhiều, không chỉ mang đến lợi ích kinh tế mà còn đặt ra bài toán nâng cao chất lượng dịch vụ cho ngành du lịch.

khach-an-do.jpg
Đoàn khách của tỷ phú Ấn Độ tham quan nhà tù Hỏa Lò tháng 8

Năm 2024 chứng kiến nhiều người thuộc giới siêu giàu thế giới tới Việt Nam du lịch. Tháng 3, tỷ phú Bill Gates cùng bạn gái dành 4 ngày ở Đà Nẵng, chơi tennis và lưu trú trong khu nghỉ dưỡng biệt lập tại bán đảo Sơn Trà. Hồi tháng 8, tỷ phú Ấn Độ đưa 4.500 nhân viên sang Việt Nam du lịch và bản thân ông cũng có những trải nghiệm cùng gia đình tại Đà Nẵng.

All Asia Vacation (AAV), đơn vị tổ chức chuyến du lịch cho các tỷ phú, triệu phú, cho biết du lịch Việt Nam đang thành xu hướng trong giới siêu giàu.

CEO Nguyễn Đức Hạnh của AAV cho biết trong số người trong giới siêu giàu (tổng tài sản trên 30 triệu USD) công ty đã phục vụ khoảng 100 khách đến Việt Nam, tăng 12% so với năm trước và cao hơn rất nhiều so với năm 2019 - đỉnh cao của du lịch Việt. Sự gia tăng của nhóm khách siêu giàu sau dịch ở Việt Nam cho thấy họ có nhu cầu tìm kiếm trải nghiệm độc đáo.

"Nhiều điểm trên thế giới đã cũ với khách siêu giàu và bất ổn ở châu Âu khiến họ muốn tìm những nơi an toàn", ông Hạnh nói, cho biết Việt Nam còn lợi thế là điểm du lịch mới, chưa xuất hiện nhiều trên bản đồ du lịch của nhóm này.

Vietravel, đơn vị đón đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ, cũng nhận thấy Việt Nam có sức hấp dẫn lớn với nhóm khách cao cấp quốc tế. Trong năm qua, công ty này đón nhiều đoàn khách VIP, gồm tỷ phú, giới siêu giàu ở Đông Nam Á, Trung Đông, Trung Quốc với số lượng "tăng đáng kể" so với những năm trước.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, nhận xét các chuyến đi của giới siêu giàu đôi khi không tạo hiệu ứng rộng rãi trên truyền thông quốc tế vì nhiều người kín tiếng, kiểm soát chặt thông tin cá nhân, hoạt động của mình.

Tuy nhiên, hiệu ứng từ những chuyến đi vẫn lan tỏa âm thầm trong mạng lưới doanh nhân và các mối quan hệ cấp cao, mở ra cơ hội đón những khách khác trong giới. Trong đó, chuyến đi của tỷ phú Ấn Độ được đánh giá giúp Việt Nam ghi điểm trong cộng đồng doanh nhân Ấn Độ.

Theo Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Trưởng bộ môn quản trị sự kiện Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, giới siêu giàu tới du lịch khẳng định Việt Nam đủ sức cạnh tranh trong phân khúc du lịch cao cấp vốn đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe.

Sự xuất hiện của các tỷ phú là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, du thuyền, và dịch vụ cao cấp khác. Điều này cũng mở ra cơ hội thu hút đầu tư từ chính những khách hàng siêu giàu hoặc những người liên quan.

khach-du-lich-nuoc-ngoai.jpg
Gia đình khách nước ngoài tại resort ở khu vực bán đảo Sơn Trà

Để thu hút thêm khách siêu giàu, ông Lê Anh nói, gợi ý cần thêm những khu nghỉ dưỡng độc quyền, biệt lập tại Phú Quốc, Hội An, Ninh Thuận hay Quảng Ninh và những trải nghiệm "có một không hai" như trực thăng ngắm cảnh, du thuyền cá nhân, hoặc các chuyến tham quan di sản văn hóa, thiên nhiên với dịch vụ thiết kế riêng. Các sản phẩm kết hợp với nghệ nhân để giới thiệu văn hóa, ẩm thực Việt Nam một cách tinh tế cũng là hướng đi khả thi.

Còn theo AAV, Việt Nam có khoảng "5 năm vàng" để bật từ một điểm đến mới thành nơi dừng chân yêu thích của nhóm siêu giàu. Ông Hạnh nhấn mạnh cần phát triển du lịch bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường, tránh cảnh quá tải, khiến điểm đến mất giá trị. Hiện tại, một số điểm ở Việt Nam đẹp nhưng quá đông, nhiều thời điểm tới chỉ toàn thấy "người với người", khó hút các khách cao cấp trải nghiệm.

Mô hình khoanh vùng điểm đến dành riêng cho khách cao cấp ở Hạ Long được ông Hạnh đánh giá cao. Ngoài ra, ông tiết lộ Đà Nẵng cũng đang có kế hoạch tương tự với một số khu vực.

Song song việc tìm những điểm đến riêng cho khách cao cấp, ông Hạnh nhấn mạnh cần có hạ tầng đáp ứng đủ yêu cầu "trải nghiệm những điều tốt nhất trong thời gian ngắn nhất" của khách giàu có như đường cao tốc, sân bay, cảng biển.

Dieter Buchner, đồng sáng lập Vietnam Detox - chuyên cung cấp các trải nghiệm chữa lành cho khách quốc tế tới Việt Nam - cho biết nên tập trung vào những trải nghiệm "không thể tìm thấy ở nơi nào khác". Ông nói khách hạng sang không chỉ tìm kiếm trải nghiệm xa xỉ truyền thống mà còn muốn "hòa mình vào văn hóa bản địa". Nếu làm được, họ sẵn sàng chi nhiều tiền cho các trải nghiệm riêng tư, độc quyền với chuyên gia bản địa.

Về lợi ích từ thu hút khách siêu giàu, AAV tin những chuyến du lịch của nhóm này mang lại lợi nhuận cho nhiều bên, không chỉ công ty tiếp đón. Ví dụ, Việt Nam có thể xây dựng những quy chế mới về phí tham quan và khách cao cấp cần trả gấp 100 lần so với khách phổ thông. Khoản tiền này sẽ đóng góp lớn cho kinh tế địa phương.

Khi nhóm khách này tới nhiều, nhu cầu nhân lực chất lượng cao chắc chắn tăng, đòi hỏi ngành du lịch nâng cao chất lượng đào tạo. Theo ông Hạnh, Quảng Ninh đã sớm nhận ra vấn đề này và hợp tác mở các trường đào tạo nhân sự cho ngành du lịch cao cấp.

"Nguồn nhân lực trẻ và tài năng hứa hẹn phát triển cả ngành du lịch trong tương lai", ông Hạnh nói.

Sân khấu tổ chức lễ cưới của tỷ phú Ấn Độ ở Phú Quốc hồi tháng 1. Ảnh: Sun
Sân khấu tổ chức lễ cưới của tỷ phú Ấn Độ ở Phú Quốc hồi tháng 1

Theo Dieter, phân khúc du lịch cao cấp đang thiếu nhân sự đủ kỹ năng, có khả năng cung cấp dịch vụ cá nhân hóa, chất lượng cao. Nhiều chủ cơ sở nghỉ dưỡng ở Việt Nam ưu tiên làm đẹp bề ngoài nhưng bỏ qua "phần mềm", thiếu tập trung vào tuyển dụng và phát triển lực lượng lao động chất lượng, gắn bó lâu dài.

"Chúng ta cần những nhân sự có thể chạm đến cảm xúc khách hàng, qua đó nâng tầm kỳ nghỉ từ bình thường trở nên đặc biệt, tạo nền tảng cho thị trường du lịch hạng sang phát triển ở Việt Nam", Dieter nói.

Trong năm qua, hệ sinh thái nghỉ dưỡng của Sun Hospitality Group (SHG) tại Phú Quốc, Đà Nẵng cũng đón tiếp nhiều thương gia, tỷ phú, ngôi sao quốc tế tới nghỉ dưỡng, nổi bật có thể kể đến đám cưới 7 ngày của gia đình tỷ phú Ấn Độ hồi đầu năm.

Để khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ nghỉ dưỡng cao cấp, đại diện SHG nói hợp tác với các "ông lớn" trong ngành để tạo ra những dự án đẳng cấp là điều quan trọng. "Nhóm khách này có nhu cầu cao về tiện nghi, an toàn và riêng tư nên cần những hệ sinh thái du lịch đồng bộ, đảm bảo trải nghiệm trọn vẹn cho khách", đại diện SHG nói.

Với sở thích các trải nghiệm văn hóa đích thực, Dieter nhận xét khách nhà giàu sẽ tạo ra lợi ích lớn cho các cộng đồng địa phương. Ông ví dụ Bản Lác ở Hòa Bình thành công trong việc phát triển du lịch dựa trên cộng đồng, qua đó đem lại sinh kế cho dân địa phương, đồng thời bảo tồn văn hóa. Mô hình này khi áp dụng với các khách quốc tế giàu có cũng hứa hẹn đem lại những lợi ích tương tự, thậm chí nhiều hơn.

Tiến sĩ Lê Anh nhận xét thu hút nhóm khách siêu giàu là "hướng đi chiến lược". Sản phẩm du lịch cho nhóm cao cấp thường có lượng khách ít nhưng giá trị lớn, phù hợp với xu thế du lịch bền vững.

Tuy nhiên, ông cho biết không nên xem nhóm khách này như ưu tiên duy nhất cho ngành du lịch. Việt Nam cần duy trì thế mạnh ở thị trường đại chúng, vốn là nguồn thu chủ lực, đồng thời phát triển phân khúc cao cấp để tạo thêm nguồn thu.

"Chúng ta cần chiến lược cân bằng, không phụ thuộc để tránh rủi ro khi thị trường thay đổi", ông nói.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch châu Á, cũng cho biết nên nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhóm cao cấp lẫn phổ thông để nâng cấp tiêu chuẩn chung cho cả ngành du lịch. Việc kết hợp hài hòa cả hai nhóm khách hứa hẹn mang lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam.

HQ (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm đón khách siêu giàu của du lịch Việt