Đời sống tinh thần rất nghèo nàn là một trong những nguyên nhân khiến một số công nhân nam sa vào các tệ nạn để lại hậu quả xấu cho bản thân, gia đình và xã hội...
Một số công nhân câu kết với đối tượng bên ngoài trộm tài sản trị giá lớn của Công ty TNHH Điện tử UMC
ở khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) Ảnh: Đức Thịnh
Làm việc trong môi trường tập thể nhưng đời sống tinh thần lại rất nghèo nàn là một trong những nguyên nhân khiến một số công nhân nam sa vào các tệ nạn để lại hậu quả xấu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Mặc dù đã quen từ trước nhưng phải mất một thời gian dài thuyết phục tôi mới được anh T. (30 tuổi ở phường Bình Hàn, TP Hải Dương) trải lòng. Vốn là công nhân làm việc tại khu công nghiệp đóng trên địa bàn thành phố nhưng vì ham chơi theo bạn bè nên anh đã đánh mất công việc sau những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Theo lời T., anh được gia đình đầu tư cho ăn học để mong có cuộc sống ổn định nhưng sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng anh không xin được việc làm. Ở nhà mãi cũng chán, anh xin làm việc trong khu công nghiệp. Sau mỗi giờ làm, một số anh em lại tập trung tại quán nước uống chén trà, nói chuyện vui trước khi về nhà trọ. Một thời gian sau, tình cảm thân quen hơn, họ chuyển sang uống bia rượu. Lâu dần thành quen, cứ ngày đi làm, tối về họ lại rủ nhau ra quán nhậu. Sau đó họ còn tham gia chơi lô đề. Sử dụng bia rượu triền miên khiến sức khỏe bị ảnh hưởng, không tập trung cho công việc, đầu óc lại luôn chỉ suy nghĩ, tính toán các con số. Việc đánh lô đề được ít mất nhiều, một thời gian sau, T. nợ hơn 100 triệu đồng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không biết lấy tiền đâu ra trả, chủ nợ đến tận công ty hăm dọa. Cuối cùng, gia đình phải vay tiền của người thân để "trả nợ đậy". Sau lần ấy, công ty cũng chấm dứt hợp đồng. T. tâm sự: “Không chỉ có tôi mà một số anh em khác cũng vướng vào nợ nần do ham vui. Đến lúc bị đuổi việc, tôi mới thấy hối hận thì đã muộn”.
Cũng vì ham vui vô bổ mà anh Nguyễn Quốc T. (công nhân Công ty CP Lilama 69-3) suýt đánh mất hạnh phúc gia đình. Sau khi lĩnh lương xong, T. không mang tiền về để trang trải sinh hoạt trong gia đình mà tụ tập với đám bạn đánh bài thâu đêm. Thế là bao nhiêu tiền lương "không cánh mà bay". Sau cuộc chơi, người thắng cuộc lại mời cả nhóm đi hát karaoke để thêm vui. Cả đêm hôm ấy, chị H. vợ anh T. gọi mãi nhưng chồng không nhấc máy. Sáng hôm sau, anh T. trở về nhà trong tình trạng phờ phạc, thiếu ngủ. Kiểm tra điện thoại của chồng, chị H. đang làm công nhân cho một công ty may tư nhân ở TP Hải Dương còn phát hiện ra rất nhiều ảnh "nhạy cảm" chồng chụp chung với tiếp viên. Nhiều lần như thế, "tức nước vỡ bờ", chị H. đã không kiềm chế được và to tiếng với chồng. Lời qua tiếng lại, họ đã quyết định viết đơn ly dị. Nghe được tin, mẹ anh T. phải lặn lội từ Ninh Giang lên giảng hòa cho các con. Cuối cùng, chị H. chỉ chấp nhận với điều kiện anh T. phải viết bản cam kết không tái phạm và mỗi tháng trích nộp ít nhất 2 triệu đồng tiền lương để nuôi con.
Bên cạnh bia rượu, lô đề, tệ nạn cờ bạc cũng đang ăn sâu vào một bộ phận nam công nhân. Ngày 5-6, Công an huyện Cẩm Giàng đã bắt quả tang một nhóm trên 10 nam công nhân đang chơi đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa ngay trong khuôn viên của một công ty tại khu công nghiệp Phúc Điền. Các công nhân này đều rất trẻ. Họ chơi đánh bạc với lý do để... giải trí trong giờ nghỉ.
Cuộc sống nơi đất khách quê người của công nhân nam luôn thiếu thốn tình cảm và không có sự quản lý của gia đình. Vì vậy, họ rất dễ kết thân với những người đồng cảnh ngộ. Nếu không có chí tiến thủ, có định hướng tốt, họ dễ sa vào những trò vô bổ, hoặc tệ nạn như cờ bạc, rượu chè, ma túy... Hiện nay, đời sống tinh thần của người lao động cũng còn nhiều thiếu thốn. Đơn vị sản xuất nơi họ làm việc và chính quyền cũng chưa tạo được nhiều sân chơi bổ ích, là một trong những nguyên nhân khiến cho công nhân dễ bị tệ nạn cám dỗ. Hậu quả của việc sa ngã vào các tệ nạn là cuộc sống của nhiều công nhân và gia đình trở nên điêu đứng, kinh tế vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, thậm chí không giữ được hạnh phúc gia đình.
Trung tá Đoàn Văn Kiểm, Trưởng Đồn Công an Phúc Hưng (khu công nghiệp Cẩm Phúc, Cẩm Giàng) nhận xét: “Việc một số công nhân, nhất là nam công nhân vướng vào các tệ nạn là thực tế đang diễn ra hiện nay. Tuy nhiên, rất khó có thể theo dõi và quản lý những việc làm này bởi vì đa phần công nhân không phải dân địa phương, họ thuê trọ và ở rải rác trên khắp các địa bàn xung quanh các công ty, nhà máy. Các hoạt động của họ cũng không diễn ra công khai nên khó phát hiện để xử lý”.
Để phòng ngừa và từng bước giải quyết vấn đề này, thời gian qua, các cấp, các ngành đã có một số hoạt động thiết thực. Từ đầu năm 2015 đến nay, Ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố và các công đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội theo hình thức trực tiếp, tập huấn, giao lưu tại 591 đơn vị, thu hút 76.522 lượt người tham gia. Tuy nhiên, những hoạt động này chưa nhiều và đây cũng chỉ là giải pháp mang tính chất bề nổi chưa thực sự có tác dụng triệt để. Hơn ai hết bản thân công nhân lao động phải nhận thức được những hậu quả xấu mà các tệ nạn mang tới để chủ động không bị lôi kéo, dụ dỗ. Những người thân trong gia đình cũng cần thường xuyên quan tâm, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường của con em mình để có biện pháp khuyên răn. Các doanh nghiệp cần tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giúp công nhân tránh xa tệ nạn; phối hợp với công đoàn cơ sở tích cực tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân. Cơ quan chức năng và những khu dân cư có đông công nhân thuê trọ cần có biện pháp quản lý chặt chẽ nhân khẩu, kịp thời dẹp bỏ những loại tệ nạn phát sinh...
THANH TÂM