Tháng 10-2014, Mỹ chính thức mở cửa nhập khẩu quả vải của Việt Nam. Cánh cửa xuất ngoại cho vải Thanh Hà nhờ đó thêm rộng mở.
Thương hiệu vải thiều nổi tiếng đã gắn bó chặt chẽ với mảnh đất Thanh Hà
16 USD/5 quả vải
Về Thanh Hà những ngày cuối năm, thông tin về quả vải đi Mỹ vẫn nóng hổi trong câu chuyện của những người trồng vải. Bao năm nay, người dân Thanh Hà không chỉ coi cây vải là cây trồng chủ lực mà còn là cây tạo nên thương hiệu cho vùng quê này bởi nhắc đến Thanh Hà người ta nhớ ngay đến vải. Mỗi mùa vải chín, người Thanh Hà chỉ mong được mùa, được giá nhưng nhiều năm nay việc tiêu thụ vẫn rất bấp bênh. Diện tích trồng vải lúc tăng, lúc giảm, nguyên nhân chủ yếu do đầu ra thiếu ổn định. Quả vải được sang Mỹ cũng giúp nông dân nơi đây không bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vốn có nhiều rủi ro.
Ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà cho biết: "Khi Mỹ cho phép nhập khẩu vải thiều Việt Nam, chúng tôi rất mừng và coi đây là cơ hội để nâng cao giá trị, thương hiệu cho quả vải. Để vải Thanh Hà đến được với người tiêu dùng Mỹ còn một chặng đường dài với nhiều khó khăn phía trước nhưng đây là điều chúng ta phải nắm bắt và quyết tâm làm bằng được".
Thị trường Mỹ là một trong những thị trường không dễ tính đối với nông sản, nhất là các loại trái cây. Nhưng xuất khẩu được quả vải thiều sang Mỹ chúng ta sẽ thêm cơ hội đưa sản phẩm này đến với nhiều quốc gia khác trên thế giới. "Ước mơ 16 USD/5 quả vải không chỉ là ước mơ riêng của người Bắc Giang, mà còn của cả người Thanh Hà. Nếu bán được với giá đó, cây vải sẽ trở thành cây làm giàu chứ không còn là cây xóa đói, giảm nghèo mà người ta vẫn thường nhắc đến trước đây", anh Hoàng Văn Năm ở thôn 3, xã Thanh Xá (Thanh Hà) nói.
Vải thiều đã được Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bình chọn vào tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng. Mỗi vụ, huyện Thanh Hà cung cấp cho thị trường từ 20.000-30.000 tấn vải. Huyện hiện có 100 ha vải thiều được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Thanh Sơn, Thanh Khê và Thanh Thủy. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà cho biết: "Sản lượng vải trên địa bàn tỉnh khá lớn, chất lượng và thương hiệu đã được khẳng định nên chúng ta cần quyết tâm tìm mọi giải pháp để đưa vải sang Mỹ và nhiều thị trường khó tính khác".
Sản xuất bài bảnTheo bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, để vải thiều Thanh Hà đến được với thị trường Mỹ không thể nóng vội mà phải có quy trình, làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm các lô hàng sang Mỹ đều đạt tiêu chuẩn. Trước hết phải xây dựng được mối liên kết "3 nhà" vững chắc. Trong đó, nhà khoa học tư vấn cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả; chuyển giao khoa học, kỹ thuật, nhất là trong việc bảo quản vải sau thu hoạch. Doanh nghiệp chế biến sản phẩm xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho quả vải. Nông dân Thanh Hà tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất vải sạch, tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào trồng, chăm sóc để bảo đảm năng suất và chất lượng quả vải. Năm 2015, có thể vải Thanh Hà chưa thể xuất khẩu đi Mỹ nhưng nếu chúng ta làm tốt, thực hiện có bài bản các quy định mà đối tác đặt ra, vải thiều sẽ sớm đến được với người tiêu dùng Mỹ.
Quả vải thiều Thanh Hà được đi Mỹ mở ra cơ hội mới cho người trồng vải
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với một số doanh nghiệp tìm cách đưa công nghệ chiếu xạ từ miền Nam về tỉnh ta. Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (xã Gia Xuyên, Gia Lộc) đang giao dịch với doanh nghiệp cung cấp thiết bị chiếu xạ. Theo ông Giám đốc Tăng Xuân Trường, công ty này đang khẩn trương làm những thủ tục cần thiết thuê thiết bị chiếu xạ về Hải Dương sớm nhất để có thể đưa vào sử dụng ngay trong vụ vải năm nay. Khi có máy chiếu xạ, cơ hội vải thiều Thanh Hà đi Mỹ sẽ rất lớn. Bà Nguyễn Thị Mận, Giám đốc Công ty Chế biến nông, lâm sản xuất khẩu Thanh Hà đã từng bỏ gần 1 tháng nghiên cứu cách để vải thiều Thanh Hà đáp ứng được những điều kiện xuất khẩu sang Mỹ. Bà Mận cho biết: "Những năm trước đây, công ty từng xuất khẩu vải thiều sang Hàn Quốc với sản lượng 300 tấn/vụ. Năm 2014, công ty đã xuất khẩu thử nghiệm 69 tấn vải thiều sang Anh. Khi đến nước Anh, quả vải thiều Thanh Hà vẫn tươi rói. Vải thiều được người tiêu dùng Anh chấp nhận thì có lẽ không khó để đến được đất Mỹ. Chúng tôi mong được tỉnh hỗ trợ vốn để làm các quy trình đưa thử nghiệm xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên sang Mỹ ngay trong vụ vải năm nay".
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với UBND huyện Thanh Hà quy hoạch vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Sở Công thương đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, giữ vững thị trường truyền thống, hướng tới những thị trường mới, lựa chọn công nghệ bảo quản vải tốt nhất...
HOÀNG ANH
Ước tính Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ khoảng 600 tấn vải và 1.200 tấn nhãn/năm. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không chỉ xuất khẩu đi Mỹ, thời gian tới, nhiều loại trái cây tươi của Việt Nam trong đó có vải thiều sẽ được xuất khẩu đi các thị trường khác như: Úc, Nhật Bản... Để thêm cơ hội xuất khẩu vải thiều, năm 2015, diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP ở Thanh Hà sẽ tiếp tục được mở rộng thêm 10 ha, nâng tổng số lên hơn 100 ha.
|