Xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ tròn 50 xuân trước, xuân này, nông thôn xã Nam Chính (Nam Sách) như được choàng lên một tấm áo mới.
Vào chiều thứ hai, thứ bảy hằng tuần, Trường THCS Nam Chính tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường trục chính của xã
Lời Bác còn vangRun run chống gậy dẫn chúng tôi ra ngắm con đường mới đổ bê-tông rộng thênh thang trước nhà, ông Nguyễn Hữu Giao, 85 tuổi ở thôn An Thường xúc động nói: "Cũng trên con đường này, lúc đó còn là đường đất, trơn trượt, lầy lội, tôi đã tất tả chạy đến khi nghe tin Bác về thăm”.
Gần trưa ngày 15-2-1965, nghe tin Bác về, ông Giao cùng nhiều người chạy túa ra đường đón Bác. Từ đầu đường Bác đã xuống xe. Người vận bộ quần áo nâu giản dị, chân đi guốc, nhanh nhẹn bước giữa đàn con, cháu tíu tít vây quanh. Thấy có con đường đất nhỏ dẫn vào trong xóm, Bác rẽ vào ngay mặc dù các đồng chí cán bộ xã lúc đó muốn mời Bác vào thăm các gia đình khác. Ông Giao như nghẹn thở khi Bác bước vào sân nhà, bắt tay và ân cần hỏi thăm hoàn cảnh, đời sống kinh tế của gia đình một nông dân nghèo như ông.
"Năm đó, nhà tôi còn là nhà tranh, vách đất. Tôi cũng đã sinh tới 7 cháu. Khi Bác bước vào thăm nhà, tôi vừa bối rối, vừa xấu hổ. Nhưng Bác đã ân cần hỏi han làm tôi đỡ lúng túng. Bác bước vào xem căn buồng và hỏi: Đây là kho phải không? Sau đó, Bác ra thăm công trình phụ của gia đình. Thấy nhà tôi đã xây nhà tắm bằng gạch, Bác bảo, xây thế là tốt, nhưng ở quê, chỉ cần trồng râm bụt cho tiết kiệm. Rồi Bác dặn nhà tôi phải có nắp đậy giếng nước để an toàn cho các cháu nhỏ. Thăm khu chăn nuôi, Bác khen nhà tôi nuôi được đôi lợn phẳng lưng, hay ăn chóng lớn. Tôi không ngờ Bác lo trăm công nghìn việc mà còn am hiểu về chăn nuôi đến thế”, ông Giao bồi hồi nhớ lại.
Rời nhà ông Giao, Bác đi thăm và căn dặn một số gia đình trong xã tích cực chăn nuôi, trồng màu, giữ gìn vệ sinh thật tốt. Sau đó, Bác về hội trường UBND xã (nay là khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh) và nói chuyện với nhân dân ngay trước thềm hội trường. Ông Đinh Văn Kế, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nam Chính những năm 1960-1979 nhớ lại: "Nghe tin Bác về, nhân dân đến chật cả sân hội trường. Đầu tiên, Bác hỏi: Tết năm nay các gia đình ăn Tết được bao nhiêu cân thịt lợn? Đồng chí Bí thư Huyện ủy định trả lời, nhưng Bác không nghe. Bác nghe ông cụ Chính trả lời: Thưa Bác, mỗi nhân khẩu được 3 lạng ạ".
Sau khi trò chuyện với nhân dân, ông Kế còn nhớ, Bác đã động viên: Nam Chính là xã kiểu mẫu về công tác vệ sinh phòng bệnh, nhưng Nam Chính cần đẩy mạnh trồng màu, phát triển chăn nuôi để nâng cao cuộc sống. Bác nhắc, Nam Chính phải sửa đường vì đường về Nam Chính còn gập ghềnh; phải trồng cây, làm tốt phong trào hơn nữa rồi Bác lại về thăm.
Xứng đáng xã kiểu mẫuSau ngày Bác về thăm, cán bộ, nhân dân Nam Chính như được tiếp thêm sức mạnh, hăng hái cải tạo đồng ruộng, làm thủy lợi, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất lao động. Nghe Bác khuyên phải chọn nuôi giống lợn phẳng lưng, mông nở để hay ăn chóng lớn, xã phát động nhân dân thay thế toàn bộ các giống lợn xấu trước đây. Vì vậy, chỉ sau một năm, Nam Chính đã đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước đủ 24 tấn thịt lợn/ năm, xóa bỏ “thành tích xấu” trước đây về chăn nuôi kém. Nếu như trước đó nhân dân Nam Chính không trồng màu, thì ngay các vụ sau đó, cán bộ xã đã chủ động tìm cây giống, vận động bà con trồng màu. Ông Kế nhớ, chỉ tiếp sau đó một năm là Nam Chính đã bội thu về khoai tây vụ đông. Từ chỗ cả xã có tới 70% nhân dân thiếu ăn lúc giáp hạt, cây rau màu đã giúp toàn xã xóa đói, nhiều gia đình ở Nam Chính đã dần đủ ăn, đủ mặc.
Chỉ sau chưa đầy 1 tháng, con đường vào xã bị Bác phê bình là gập ghềnh đã được cải tạo, mở rộng, trải xỉ phẳng phiu và được đặt tên là “đường Bác về”. Hai bên đường, các cụ phụ lão trồng hàng cây xanh thẳng tắp. Nhớ lời Bác dặn, bà con trong xã từ các cụ phụ lão đến các em thiếu nhi đều thi đua trồng cây xanh khắp đường làng ngõ xóm.
Tết này, tròn nửa thế kỷ sau ngày Bác về thăm, Nam Chính đã trở thành một mô hình nông thôn kiểu mẫu mới. Xã đã đạt 16 trong tổng số 19 tiêu chí nông thôn mới và sẽ “cán đích” nông thôn mới trong giai đoạn 1. Làm theo lời Bác dặn năm xưa: đẩy mạnh trồng màu, phát triển chăn nuôi... rau màu nay trở thành cây chủ lực của xã với diện tích hằng năm đạt trên 135 ha, chiếm 1/3 diện tích gieo trồng và đem lại giá trị sản xuất xấp xỉ 6,7 tỷ đồng/năm. Nam Chính đã quy hoạch được 26 vùng giống lúa mới, vùng trồng rau xuân hè cho thu nhập cao... Đàn lợn vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong chăn nuôi, hằng năm đem lại cho nhân dân nguồn thu lớn với sản lượng đạt gần 300 tấn thịt. Sản lượng thủy sản đạt gần 400 tấn/năm. Bình quân hằng năm, mỗi ha đất nông nghiệp của xã đã đem lại cho nhân dân trên 76 triệu đồng.
Thực hiện lời Bác dặn về công tác vệ sinh phòng bệnh, Nam Chính đã thực sự đi đầu, là điểm phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân” ngày 1-7-2012 trong toàn quốc. Thói quen giữ gìn vệ sinh phòng bệnh của người dân được hình thành. Xã đã quy hoạch bãi rác tập trung rộng 3.000 m2, thành lập tổ dịch vụ thu gom rác thải đều đặn thu gom rác mỗi tuần 1 lần. Trước đó, do còn nhiều hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, xã đã trích ngân sách, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ các hộ xây công trình vệ sinh mới. Chỉ sau 1 năm phát động phong trào, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh của xã đã tăng từ 47% lên 86%. Gần 100% số hộ dân hiện đang sử dụng nước máy. Nam Chính cũng là một trong số rất ít xã có bể bơi hiện đại đáp ứng việc tập luyện, tổ chức thi đấu và xóa "mù bơi" cho người dân.
Bây giờ về Nam Chính, xe ô-tô đã có thể đi khắp các thôn An Thường, Trại Thượng, Bịch Đông, Bịch Tây, Hoàng Xá, đỗ tận cổng hoặc vào đến sân từng nhà. Có được kết quả này cũng là do Nam Chính đã kiên trì làm theo lời Bác, huy động sức dân, nêu cao sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong xây dựng quê hương.
THU MINH