Ngày 28.12, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Chủ trì hội nghị, sau khi điểm lại những mặt công tác nổi bật của năm 2019, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cán bộ của Ban Nội chính Trung ương đã nỗ lực, hoàn thành khá toàn diện các nhiệm vụ đã đề ra, chất lượng, hiệu quả nhiều mặt công tác được nâng lên, để lại những dấu ấn tốt.
Nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của năm 2020, đồng chí Phan Đình Trạc yêu cầu Ban tham mưu xây dựng và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác năm 2020 của hai Ban Chỉ đạo; chuẩn bị chu đáo nội dung, tài liệu phục vụ tốt các cuộc họp, phiên họp của hai Ban Chỉ đạo, Thường trực hai Ban Chỉ đạo; sâu sát, cụ thể, kiên trì hơn, kịp thời hơn, quyết liệt hơn trong tham mưu, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kết luận của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo.
Trong năm hoàn thành kế hoạch kiểm tra công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến dấu hiệu tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ; ban hành quy trình kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo; kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của các Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo. Sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với quy định mới của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ cùng với việc tập trung xây dựng 4 Đề án lớn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoàn thành 4 đề tài, đề án khoa học năm 2019 và triển khai 7 đề tài, đề án khoa học năm 2020, Ban tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, thẩm định, tham mưu, đề xuất một số vấn đề lớn trong các dự án luật, đề án, văn bản quan trọng về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, các văn bản pháp luật do các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo kiến nghị để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung trao Cờ thi đua Ban Nội chính Trung ương năm 2019 cho các tập thể
Nhấn mạnh cần tăng cường nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc, hướng dẫn kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp ở địa phương và các bộ, ngành Trung ương, đồng chí Phan Đình Trạc nêu cần tập trung hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nghiêm Quy định 11 của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân và Chỉ thị 27 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo để chống phá Đảng, Nhà nước.
Ban chủ động nắm bắt, kịp thời tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề nổi lên về an ninh trật tự; các vụ việc sai phạm về kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, báo chí phản ánh, dư luận đặc biệt quan tâm; tham mưu chỉ đạo các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, nhất là xử lý, ngăn chặn "tham nhũng vặt". Tập trung nghiên cứu, tham gia ý kiến có chất lượng về văn kiện, nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; thực hiện nghiên chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, quan liêu, tham nhũng.
Đồng thời, Ban khẩn trương hoàn thành tài liệu và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên về tập huấn nghiệp vụ cho Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy; xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện ngay quyết định mới của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban; tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ cơ quan nhiệm kỳ 2020-2025; đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022...
Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, đồng chí Phan Đình Trạc yêu cầu Ban khẩn trương chuẩn bị nội dung và phục vụ tốt Hội nghị tổng kết công tác Nội chính Đảng năm 2019 và Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; khẩn trương hoàn thiện kết luận của Ban Bí thư về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, Chị thị 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đề án về tổng kết Nghị quyết 49 về Chiến lược cải cách tư pháp; hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 26 của Ban Bí thư và hướng dẫn phổ biến, quán triệt Chỉ thị 26; quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, Nhà nước về việc tổ chức Tết năm 2020...
Năm 2019, Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Ban chuẩn bị chu đáo, chất lượng nội dung, tài liệu phục vụ tốt Phiên họp thứ 15, 16 của Ban Chỉ đạo, 2 Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo, 11 Cuộc họp Ban Chỉ đạo 110 và nhiều Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo 110; tham mưu ban hành kịp thời các Thông báo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện kết luận của các Phiên họp, Cuộc họp; phối hợp với các cơ quan, đơn vị đầu mối tham mưu, giúp các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo giao, đặc biệt đã chủ trì chuẩn bị nội dung, tài liệu, phục vụ 16 Đoàn công tác của thành viên Ban Chỉ đạo đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 41 cấp ủy, tổ chức đảng được Ban Chỉ đạo phân công theo dõi, phụ trách, tăng 16 đơn vị được kiểm tra so với năm 2018.
Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan tố tụng Trung ương tổ chức, tham dự 22 cuộc họp án để đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Ban Chỉ đạo; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án, vụ việc ở cả 3 cấp độ; khởi tố thêm vụ án mới, bị can mới; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, trong đó có một số trường hợp là cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Kết thúc chỉ đạo 26 vụ án, 38 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo; 11 vụ án, 37 vụ việc thuộc diện tỉnh ủy chỉ đạo xử lý được xử lý dứt điểm....
Đặc biệt, đã đưa ra xét xử 6 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm: vụ án “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin; vụ án “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty CP VN Pharma; vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; vụ án “lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; vụ án “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á; vụ án “vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone…
Theo TTXVN